Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Cần đánh giá toàn diện chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến

- Thứ Ba, 09/11/2021, 11:48 - Chia sẻ
Sáng 9.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid - 19. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng dạy và học trực tuyến dù với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay thì giáo dục đào tạo trực tuyến sẽ là xu hướng tất yếu, lâu dài. Các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên; xác định những bất cập và có giải pháp để phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến.

Giải pháp giáo dục của tương lai

Nêu quan điểm về giáo dục trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) mong muốn, ngành giáo dục cần tìm ra các giải pháp phù hợp hơn. Việc dạy học trực tuyến đã được triển khai trên toàn quốc nhưng vẫn còn một số học sinh rất khó khăn trong việc học trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Do đó, theo đại biểu, cần có giải pháp, chính sách bảo đảm sự đồng đều trong việc tiếp cận học trực tuyến và đảm bảo chất lượng học tập của học sinh trong điều kiện hiện nay.

Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội)
Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng đề nghị, cần phải triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch… Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên.

Có cùng mối quan tâm về việc bảo đảm các điều kiện tiếp cận học trực tuyến cho học sinh, ĐBQH Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho biết, Báo cáo của Chính phủ đã đề cập một số hoạt động an sinh xã hội trong đó có chương trình vận động “Máy tính cho em”. Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê số lượng đối tượng trẻ em thực sự cần hỗ trợ và số lượng trẻ em đã nhận hỗ trợ để có thể xác định hành động, giải pháp kế tiếp.

Đại biểu tỉnh Kon Tum cũng dẫn lại số liệu khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và báo điện tử VNExpress thực hiện vào tháng 8.2021 đối với 69.000 người lao động thì chi phí cho con học trực tuyến trong bối cảnh dịch là chi phí phát sinh lớn nhất của họ. Thực tiễn ở Kom Tum, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn và không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hoặc tầm 10 triệu đồng cho một máy tính để con em họ có thể học trực tuyến. "Do vậy, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét bổ sung làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng để có giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới", đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh. 

Ảnh: quochoi.vn
Ảnh: quochoi.vn

Với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, hình thức học trực tuyến cần được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu lâu dài. Do vậy, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên; xác định những bất cập và có giải pháp để phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến. 

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cũng cho rằng, chất lượng việc dạy và học trực tuyến chưa được bảo đảm do nhiều yếu tố khách quan như: chất lượng đường truyền internet không ổn định; một bộ phận thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; thiết bị sử dụng dạy học hạn chế cả về số lượng, chất lượng; việc quản lý học sinh trong quá trình học tập chưa thật hiệu quả... 

Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)
Ảnh: Lâm Hiển

Mặt khác, việc dạy và học trực tuyến kéo dài cũng gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dạy, người học khi phải ngồi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu và không vận động trong thời gian dài. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng khi bị giảm tương tác với thầy cô, bạn bè, trong khi nhiều phụ huynh chưa tương tác hợp lý với con trong quá trình học trực tuyến. Bên cạnh đó giáo viên cũng dễ nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy không chỉ có học sinh mà có cả phụ huynh, thậm chí dư luận và cả mạng xã hội cùng "nhìn"... 

Từ những khó khăn trên, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất Chính phủ giao cho các bộ, ngành hữu quan có kế hoạch nâng cấp đường truyền để bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến; mở rộng đối tượng được tiếp cận với Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; nghiên cứu các hình thức thu hút doanh nghiệp tham gia vào Chương trình để sớm đạt được mục tiêu không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu tổ chức các chương trình đối thoại, trao đổi giữa cấp quản lý giáo viên, phụ huynh và học sinh để chia sẻ và xóa bỏ áp lực tâm lý của các bên khi học trực tuyến kéo dài. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy và tổ chức dạy trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng", đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị.

Hồ Long