Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021

Cần đánh giá tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:29 - Chia sẻ
Đầu tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Trước đó, tại Phiên họp Thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp, có ý kiến nêu rõ, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính. Đây là nội dung quan trọng, giúp ích cho các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Đấu tranh quyết liệt hơn với vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Tại Phiên họp Thường trực mở rộng của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, so với Báo cáo năm 2020, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 "đã có sự đổi mới, thống kê được cụ thể các loại tội phạm, báo cáo cụ thể kết quả, tiến độ thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra năm 2020 và các năm trước”. Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội năm 2021 đã giảm, tuy nhiên, một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như tội phạm hiếp dâm 771 vụ, tăng 7,38%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.032 vụ, tăng 9,6%; gây rối trật tự công cộng 403 vụ, tăng 24,77%. Số vụ giết người tuy có giảm, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng, tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và lực lượng công an.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim cho biết thêm, thời gian qua chúng ta rất xúc động với nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình thi hành nhiệm vụ (147 người bị thương, 6 người hy sinh). Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực, cố gắng của ngành công an, đồng thời cũng cho thấy tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Tội phạm giết người quá dã man, nghiêm trọng, do vậy, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến hành vi giết người dã man, để đề ra giải pháp phòng, chống, trấn áp tội phạm hiệu quả hơn.

Một loại hình mới xuất hiện, đang gây bức xúc dư luận được Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim đề cập đến, đó là một số vụ việc xảy ra trên lĩnh vực từ thiện xã hội, nếu thấy dấu hiệu sai phạm, thì công an cần vào cuộc điều tra, làm rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại Phiên họp

Ảnh: Hoàng Ngọc 

Một nội dung được đại biểu đưa ra tại phiên họp, đó là những hành vi phạm pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có xu hướng ngày càng mở rộng và tinh vi hơn. Điều này được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ, đó là các đối tượng đã lập sàn giao dịch tài chính trái phép, kêu gọi đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo kèm theo các cam kết về lợi nhuận, lập trang web với mục đích lừa đảo, mua bán các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19. Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng. Hành vi đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim, thì loại hình tội phạm này sẽ còn gây tác hại lớn trong thời gian tới, đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn nữa.

Tích hợp dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với dân cư

Phân tích vấn đề từ góc độ xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về tình hình tội phạm trẻ em, như bạo hành, xâm hại, hiếp dâm trẻ em, hiện nay số vụ án hình sự và phạt tù đều tăng. Theo bảng phân tích đánh giá của từng tỉnh, thành phố cho thấy, tội phạm này có xu hướng phức tạp ở khu vực đô thị. Câu hỏi đặt ra là có liên quan gì đến quản trị xã hội không?

Cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá được tổng thể tình hình xử lý vi phạm hành chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, từ năm 2017, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã đặt ra vấn đề này. Bởi, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hàng năm Chính phủ phải báo cáo đầy đủ về công tác xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, nhằm khắc phục việc hành chính hóa các vi phạm pháp luật hình sự, trước đó Bộ luật Hình sự quy định, tội phạm đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm sẽ là một trong những yếu tố để định tội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, đến nay, Bộ Tư pháp mới đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Về phía Bộ Công an dù rất nỗ lực, cố gắng giúp Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập hợp số liệu quan trọng này, nhưng tình hình chưa được cải thiện. Thống kê năm 2020 mới có 7 bộ, ngành tập hợp số liệu về xử lý vi phạm hành chính và năm 2021, Thường trực Ủy ban Tư pháp mới thấy có số liệu của 5 bộ, ngành, tức là con số ngày càng giảm xuống. 

Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu phương án tích hợp dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an chủ trì xây dựng, triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thống kê đầy đủ việc xử lý vi phạm hành chính hàng năm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh lãng phí.

Anh Thảo