Cần đào tạo nghề theo hướng “cầu”

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 21:28 - Chia sẻ
Đó là khuyến nghị của PGS.TS Dương Đức Lân, Ủy viên Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Tọa đàm trực tuyến “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, được tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu.
Ảnh. Thái Bình

Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính: (1) Tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. (2) Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. (3) Đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần tư theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg.

PGS.TS Dương Đức Lân phát biểu.
Ảnh: Thái Bình.

Theo PGS.TS Dương Đức Lân, bao trùm cả 3 nội dung trên là vấn đề đào tạo theo hướng “cầu”. Điều đó có nghĩa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải thống kê được lĩnh vực ngành nghề A cần bao nhiêu lao động? Trong đó, nghề A1 là bao nhiêu; A2, A3 là bao nhiêu lao động… Đây được coi là giải pháp dài hạn cho GDNN trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.
Ảnh: Thái Bình

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, để mở cửa nền kinh tế và để doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng ngắn hạn, duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì nhân lực là yếu tố tiên quyết. Do đó, vấn đề đào tạo, đào tạo lại phải bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp; phải chú ý đến việc đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế và đặc biệt chú trọng việc đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới.

Ông Nguyễn Thế Cường, phụ trách đào tạo nhân lực Tập đoàn Mường Thanh phát biểu.
Ảnh: Thái Bình

Đồng quan điểm với bà Trần Thị Lan Anh, ông Nguyễn Thế Cường, phụ trách đào tạo nhân lực Tập đoàn Mường Thanh mong muốn, các cơ sở GDNN cần chủ động hơn trong việc tiếp thị ngành nghề đào tạo cho doanh nghiệp, thậm chí phải gợi mở nhu cầu để doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và nhanh chóng ra quyết định.

Từ tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng GDNN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Minh Sự cho biết, địa phương đã có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, giúp người lao động ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19... và các tỉnh nên có kế hoạch hỗ trợ đưa lao động ở các tỉnh có nhu cầu quay lại thành phố làm việc. Đặc biệt, đối với các lao động không muốn làm lại công việc cũ khi quay trở lại thì các cơ sở GDNN và trung tâm giới thiệu việc làm nên phối hợp để bồi dưỡng, đào tạo, tư vấn việc làm cho lao động.

Các đại biểu dự Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.
Ảnh: Thái Bình.

Kết luận Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, phạm vi bàn đến là giải pháp đào tạo nhân lực và kỹ năng nghề để góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất kinh doanh. Ông Trương Anh Dũng đồng tình với quan điểm cần phải đánh giá đúng thực trạng và bám sát tình hình thì mới tổ chức đào tạo đúng.

Đặc biệt, đối với đào tạo, đào tạo lại, Tổng cục GDNN đang nghiên cứu 3 đề án, trong đó quan trọng nhất là “Chiến lược phát triển GDNN”, kế tiếp là Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”… qua đó, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu hơn, bao quát hơn vấn đề nâng cao kỹ năng người lao động trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. “Từ đây, đặt ra vấn đề dự báo về nhu cầu, kỹ năng tương lai. Tôi hy vọng các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp sẽ chung tay hợp tác cùng Tổng cục để đào tạo đúng, trúng và hiệu quả” – TS. Trương Anh Dũng nói.

Bình Nhi