Cần đặt Thủ Thiêm trong mạng lưới các khu đô thị đắt giá

- Thứ Ba, 18/01/2022, 12:11 - Chia sẻ
Thời gian qua, việc tổ chức đấu giá đất Thủ Thiêm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt là người dân cả nước.

Theo TS Phan Văn Ngoan – Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh, trong chỉ đạo xử lý các tồn tại ở Thủ Thiêm, chủ trương từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng đều thống nhất đặt vấn đề là TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng đấu giá nhà đất để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. UBND TP. Hồ Chí Minh đã được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy và tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công, đất công.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao vào tháng 11/2018. Ảnh: Quỳnh Trần
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao vào tháng 11.2018. Ảnh: Quỳnh Trần

Về phương thức triển khai chỉ đạo nói trên, TS Phan Văn Ngoan cho rằng, đấu giá nhà đất (công) là một lựa chọn tối ưu nhất hiện nay, thay vì chỉ định giá, chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp, tập đoàn vốn gây ra nhiều hệ lụy pháp lý về sau. Đây cũng là cách để tối ưu hóa nguồn lực đất đai - tài sản công mà thế giới đang áp dụng. Vấn đề là cần thiết lập một “chuẩn mực” cho việc sử dụng tài sản công, đảm bảo tính công khai, nhưng cũng phải thật sự công bằng với thị trường chung để tạo nguồn lực phát triển cho TP. Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực. TP. Hồ Chí Minh một mặt cần kiên quyết xử lý hiện tượng thổi giá đất, nạn đầu cơ bất động sản, gây rối nhiễu thị trường đất; mặt khác, trong những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố có thể kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực thi hiệu quả.

Khẳng định khu đô thị mới Thủ Thiêm có vai trò hết sức đặc biệt vì nằm ở vị trí chiến lược thuộc dạng khan hiếm, đắc địa bậc nhất trên thị trường bất động sản không chỉ ở Việt Nam mà còn là của khu vực, đại diện Viện Kinh Tế Xanh cho rằng, cần có một tầm nhìn đặt Thủ Thiêm trong không gian mạng lưới của các khu đô thị đắt giá, trung tâm tài chính kinh doanh của thế giới, thay vì chỉ nhìn vào những hoạt động mua bán trao tay ngắn hạn.

Theo TS Phan Văn Ngoan, cần phải có một đề tài nghiên cứu toàn diện về Thủ Thiêm, đặc biệt về giá trị kinh tế, mời các đơn vị có uy tín trong nước và quốc tế tham gia đánh giá toàn diện vị thế khu đô thị mới Thủ Thiêm; Tổ chức truyền thông mạnh, phổ cập thông tin về Thủ Thiêm đến các cấp chính quyền và người dân để hiểu đúng; Tổ chức hội thảo để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông… cùng tham gia phân tích, chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau nhằm có thêm nhiều ý kiến, tư liệu phong phú để chính quyền thành phố tham khảo, quyết sách. Đồng thời, thành lập hội đồng thẩm định doanh nghiệp tham gia đấu giá để lựa chọn các doanh nghiệp đủ tiềm lực về tài chính, năng lực thực thi, chấm điểm ý tưởng thiết kế; và cần duy trì xuyên suốt quan điểm đấu giá tài sản công một cách công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, để Thủ Thiêm trở thành trung tâm văn hoá, tài chính trong tầm nhìn phát triển thành phố dài hạn thì ngoài các khối nhà thương mại, cần phải triển khai xây dựng những công trình công cộng, văn hóa ý nghĩa như bảo tàng, nhà hát… Những công trình này có thể đấu giá kèm theo các khối thương mại như là một điều kiện để chọn doanh nghiệp tham gia.

Nhật Linh