Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19

Cần đầu tư nâng cấp y tế xã, phường

- Thứ Ba, 09/11/2021, 12:33 - Chia sẻ
Do tình hình dịch bệnh được dự báo còn diễn biến phức tạp, tại phiên thảo luận toàn thể sáng nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục kiến nghị cần tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến cơ sở cần trở thành các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phòng, chống dịch tiếp tục là ưu tiên hàng đầu

Quan tâm đến năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) lưu ý, đến nay mới có 77,9% số xã được đầu tư nâng cấp, 48,8% trạm y tế xã được thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến xã. Nguyên nhân do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập. Thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sau điều trị nhiễm dịch Covid - 19 để lại di chứng, trẻ em mồ côi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi… rất cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế nơi sinh sống.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, Chính phủ cần quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng; có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Về phòng, chống dịch bệnh, đại biểu nhấn mạnh, tình hình dịch dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỷ lệ tiêm phòng ở một số địa phương còn thấp, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy, Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng, chống dịch, văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất, phù hợp về kiểm soát cách ly y tế, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch cần được quan tâm đúng mức, vì một số địa phương làm tốt công tác kiểm soát dịch, khống chế dịch bệnh lây lan đều thực hiện thành công mục tiêu kép, đưa kinh tế địa phương phát triển và đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia trên địa bàn. Từ thực tế này, theo đại biểu Đỗ Thị Lan, việc duy trì kiểm soát tại các điểm chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết. Để tránh lây lan dịch bệnh ra nhiều tỉnh, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động xuất nhập khẩu càng phải làm tốt công tác phòng, chống dịch. Thực tế, nếu một đoàn xe vận chuyển hàng xuất khẩu có một lái xe bị F0, quốc gia nhập khẩu sẽ ngừng nhập khẩu hàng hóa và có thể bị đình trệ nhiều ngày, buộc chúng ta phải tiêu hủy, gây tốn kém, lãng phí. Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị, cần có nhận định, đánh giá đúng mức kết quả thực hiện mục tiêu kép, thực hiện tốt việc kiểm soát dịch ở các chốt giao thông không chỉ để lưu thông nhanh mà còn phải đảm bảo an toàn để phát triển bền vững.

“Mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng”

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định)
Ảnh; Quang Khánh

Từ thực tế trực tiếp đi chống dịch ở nhiều địa phương và đặc biệt là đi học tập kinh nghiệm phòng, chống dịch ở châu Âu, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đề xuất, cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị tấn công (người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, bảo vệ cơ sở y tế, các viện dưỡng lão...) để không trở thành các ổ dịch. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số, vì sau khi tiêm mũi 1 đã có khả năng giảm tỷ lệ tử vong rất cao.

Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần chú ý triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị dịch Covid - 19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ nào chủ trì lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các ứng dụng cũng cần có các chuyên gia kinh nghiệm, tâm huyết của ngành y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng đầu voi, đuôi chuột của những phần mềm mang tiếng là app quốc gia trước đây. Đại biểu cũng nhấn mạnh, rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất các quy định, quy trình chưa tường minh, dẫn đến hiệu quả còn quá kém, khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin. “Nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở để triển khai ứng dụng thông tin. Đơn giản là để bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất. Rộng mở để có thể thích ứng với tích hợp với tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị. 

Về việc mở cửa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc này cần thực hiện theo nguyên tắc “mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng”, không mở cửa vào cảm tính, không duy trì chế độ Zero Covid, không cách ly đại trà diện rộng các F1, F2, F3.  Lý giải cho đề xuất này, đại biểu nhấn mạnh, khi cá nhân là F1 đã âm tính rồi thì không còn F2, F3. "Chúng ta quay trở lại sống bình thường tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch bệnh. Chúng ta không sợ Covid nhưng cũng không chủ quan đển dịch bùng phát diện rộng. Bộ Y tế đã chuẩn bị những nguyên tắc, nguyên lý rất cụ thể, chỉ cần các tỉnh lắng nghe và tin tưởng thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không dùng chiến thuật Zero Covid – 19, mà mở cửa an toàn với ba trụ cột. Thực tế cũng cho thấy, nền kinh tế đang chao đảo đã có những tia sáng, hy vọng thông qua những con số thống kê trong tháng 10 vừa qua", ông nói. 

Có cùng quan điểm cần đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện, quận, xã, phường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải đưa các mục tiêu cụ thể vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Lê Bình