Thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện

Cần đề án và lộ trình cụ thể

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:41 - Chia sẻ
Hiện nay, phần lớn người cao tuổi Việt Nam vẫn chủ yếu sống ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất gặp nhiều khó khăn. Ðiều này, đòi hỏi phải sớm có giải pháp về chính sách an sinh xã hội để bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện
Nguồn: ITN

Áp lực trợ giúp xã hội lớn

Đánh giá về việc triển khai chính sách đối với người cao tuổi, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ bố trí hơn 18 nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng, trợ giúp hơn 1,8 triệu người cao tuổi, 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Hiện, cả nước có 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; 12,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã quan tâm đầu tư thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội. Đến nay, đã hình thành được 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó, có khoảng 100 cơ sở trợ giúp xã hội có chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi, công suất phục vụ khoảng 10.000 giường chăm sóc cao tuổi. Mặc dù vậy, theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, những con số trên mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tiễn. 

Những báo cáo gần đây về già hóa dân số của Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế, thời gian tới, công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ gặp nhiều thách thức khi mà Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, với thời gian chuyển sang dân số già là 17 - 20 năm. Không chỉ có tốc độ già hóa dân số nhanh mà số lượng người cao tuổi là rất cao, khoảng 11.313.200 người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% dân số). Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% và năm 2050 là 30% dân số. Do đó, Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn trong việc chăm sóc, trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% số dân; trong đó, khoảng 1,98 triệu người hơn 80 tuổi; gần 4,8 triệu người cao tuổi là nam giới. Gần 7,7 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn; tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước.

Vận động người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện

Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cũng như vận động người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, riêng năm 2019 - 2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia BHXH, trong đó, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên tham gia lớn. 

Mặc dù vậy, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, vẫn còn khá đông số người cao tuổi chưa tham gia BHXH tự nguyện. Điều này đồng nghĩa với việc số người cao tuổi cần trợ giúp xã hội rất lớn. Để thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện, cần xây dựng đề án và lộ trình. Trước mắt, khi Luật BHXH chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách cho người tham gia BHXH theo từng nhóm. Đối với nhóm người cao tuổi, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm. Nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách bảo hiểm cho người dân, đặc biệt người cao tuổi.

Trước đề xuất của đại diện BHXH Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là giải pháp cần thiết và quan trọng để giải bài toán áp lực già hóa dân số. Thay vì trợ giúp xã hội đột xuất thì sẽ thực hiện hỗ trợ để người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện. Tham gia BHXH tự nguyện khi về già đồng nghĩa với việc người cao tuổi có lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế, như vậy, sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng này một cách toàn diện và bền vững hơn. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó, có người cao tuổi, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ người cao tuổi có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Thái Yến