Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Cần đột phá trong quá trình thực hiện

- Thứ Ba, 02/11/2021, 05:58 - Chia sẻ
Quan tâm đến triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Hai này, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, để đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu liên quan đến phát triển lực lượng doanh nghiệp, thì cần có đột phá trong quá trình thực hiện. Trong đó, đáng lưu ý là đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, vì suy cho cùng đây mới là yếu tố quyết định sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nước ta.

Xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt hùng mạnh

- Tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Thưa ông, chúng ta cần triển khai những giải pháp nào để thực hiện mục tiêu nêu trên?

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong một nền kinh tế, doanh nghiệp cỡ vừa sẽ vừa đủ lớn để có hiệu quả, vừa đủ nhỏ để hoạt động năng động. Do vậy, trong triển khai chính sách cơ cấu lại nền kinh tế thời gian tới, cần nỗ lực phát triển khu vực doanh nghiệp cỡ vừa. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có thể phát triển thông qua khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Quốc hội cần ban hành luật điều chỉnh hoạt động của chủ thể này, coi các hộ kinh doanh có đăng ký cũng thuộc khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ của nước ta. Khi chúng ta chính thức hóa ngày càng nhiều hoạt động của các chủ thể trong khu vực tư nhân sẽ giúp họ hoạt động minh bạch hơn, có khả năng được bảo vệ cao hơn. Đây cũng có thể coi như một giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống doanh nghiệp theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như nghị quyết của Đảng, Quốc hội. 

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)

- Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta đang có chủ trương khác nhau với hai khu vực doanh nghiệp. Với doanh nghiệp Nhà nước, chủ trương là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước khỏi khu vực này; chỉ tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế quan trọng. Chúng ta cũng có chủ trương phát triển tận lực khu vực tư nhân, mỗi bước lùi của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ là cơ hội mở rộng cho doanh nghiệp tư nhân. Khu vực tư nhân sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế, tỷ trọng đóng góp cho GDP sẽ ngày càng tăng lên.

Cá nhân tôi nhận thấy, khu vực kinh tế tư nhân nên trở thành rường cột của nước nhà. Bởi, một nền kinh tế có hùng mạnh hay không phụ thuộc vào việc có phát động được toàn dân làm kinh tế hay không. Nhà nước hãy là người quản lý, định hướng, chèo lái, tạo môi trường, còn doanh nghiệp tư nhân sẽ là chủ thể thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, hiện đã xuất hiện một số doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, thương hiệu và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta vẫn có một số hạn chế, mà hạn chế nổi bật là đang thiếu những doanh nghiệp cỡ vừa.

- Những giải pháp đưa ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Kế hoạch này đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp chưa, thưa ông?

- Kế hoạch đặt nhiều mục tiêu về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025, tăng tỷ trọng khu vực tư nhân trong nền kinh tế, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo… Những chỉ tiêu này có thể thực hiện được nếu có đột phá về cải cách thể chế và nỗ lực đưa môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nước ta vào nhóm 3, nhóm 4 nền kinh tế hàng đầu trong khu vực ASEAN. Khi chúng ta cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng, thì không có lý gì không phát triển được lực lượng doanh nghiệp tư nhân như Kế hoạch đặt ra.

Chúng ta đã đặt ra các mục tiêu và xác định giải pháp thực hiện, nên vấn đề còn lại là tạo ra đột phá trong hành động. Các chương trình cần thực hiện đã được nêu rất rõ như cải cách thể chế, thúc đẩy cải cách hành chính, thủ tục, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện đổi mới, sáng tạo… Những chương trình này cần tập trung thực hiện làm sao để các doanh nghiệp đều tiếp cận được, thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Cần "cú hích" trong đào tạo nguồn nhân lực

- Kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo sẽ có những thay đổi nhất định. Các cơ quan chức năng sẽ cần chú ý vấn đề nào khi thực hiện mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân?

- Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch kinh tế toàn cầu, sự vận động mạnh mẽ của các cuộc cách mạng số, cách mạnh xanh trên thế giới. Doanh nghiệp nước ta hoàn toàn có thể bắt kịp những xu hướng của thế giới nếu có hệ thống chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đó là những điều tôi đã nói ở trên, là cải cách thể chế, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo người lao động… Do vậy, bên cạnh nỗ lực cải cách thể chế, một yếu tố cần quan tâm là tiến hành đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu liên quan được Kế hoạch đặt ra (70% số lao động qua đào tạo, 28 - 30% số lao động có bằng cấp, chứng chỉ).

Tôi tán thành với các mục tiêu được Chính phủ đề ra, vì suy cho cùng chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nước ta. Chúng ta muốn chuyển đổi số, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, không còn gia công, tham gia nhiều hơn vào thị trường thế giới, giá trị gia tăng ngày càng cao… thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Hay nói cách khác, chúng ta cũng cần có một cú hích trong đào tạo nguồn nhân lực nếu muốn thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển thời gian tới.

- Bên cạnh phát triển lực lượng doanh nghiệp, hoàn thành cơ cấu lại đầu tư công là một mục tiêu được Kế hoạch này đưa ra. Trong bối cảnh thực hiện phòng chống dịch hiện nay thì việc phân bổ vốn đầu tư công cần chú ý điều gì, thưa ông?

- Cùng với hai trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng), cơ cấu lại đầu tư công đã được tập trung thực hiện. Pháp luật về đầu tư công được hoàn thiện; kế hoạch đầu tư công trung hạn được tập trung triển khai; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được nâng cao, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA, và trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế. Thời gian tới, chúng ta vẫn cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi.

Trong bối cảnh chuẩn bị tiến hành quá trình phục hồi nền kinh tế, chúng ta đang cần nguồn vốn lớn để tiếp sức cho thị trường, "tiếp máu" cho khu vực doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh đầu tư công, tập trung vào các dự án sẽ thực sự hiệu quả, nhất là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Chúng ta có thể ngừng hoặc rút vốn đầu tư ở một số công trình, dự án cho thấy chưa hiệu quả; sử dụng một phần vốn đầu tư công chưa sử dụng để thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong cho vay với sản xuất, kinh doanh, đẩy vốn vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, qua đó tạo động lực tăng trưởng.

Một đồng vốn đầu tư công có thể chỉ tạo thành một đồng vốn đầu tư cho xã hội, nhưng nếu chuyển thành vốn bảo lãnh tín dụng hoặc hỗ trợ lãi suất thì có thể đẩy vốn từ ngân hàng ra cho hệ thống doanh nghiệp. Đây có thể sẽ là một cách để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công cho quá trình kích thích, phục hồi nền kinh tế thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện