Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII

Cần giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:58 - Chia sẻ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Thái Bình Khóa XVII, bên cạnh đánh giá cao kết quả tăng trưởng ở mức khá của tỉnh trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn nhận diện nhiều hạn chế trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Qua đó, nhấn mạnh để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, UBND tỉnh chủ động rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực sát với tình hình và có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Tận dụng tốt cơ hội để phục hồi

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả đạt được, phân tích những hạn chế yếu, kém trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  năm 2021. Qua đó, hiến kế nhiều giải pháp cho năm 2022. Theo đại biểu Lê Văn Thế, tốc độ tăng trưởng 6,68% trong năm 2021 (cao hơn bình quân chung của cả nước) là tín hiệu hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc; sức cạnh tranh thấp; việc cơ cấu lại các ngành kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu kế hoạch; du lịch và một số ngành sản xuất phục hồi chậm hoặc hoạt động cầm chừng.

Đại biểu Lê Văn Thế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2022, UBND tỉnh cần chủ động rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát với tình hình thực tế, khả năng thực hiện và phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững môi trường an toàn cho sản xuất. Tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư; tập trung khơi thông các nguồn lực, tạo sức bật cho nền kinh tế ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, cần có bước chuyển căn bản về cải cách hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu thủ tục và chi phí sản xuất, kinh doanh; ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hường nhận định: Mục tiêu tăng trưởng GRDP đặt ra trong năm 2022 đạt 9,0% trở lên là phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn dân. Các ngành, các địa phương cần đánh giá lại toàn bộ tiềm năng, dư địa, phát huy tiềm năng, lợi thế để đầu tư cho phát triển. Tập trung tháo gỡ thực chất khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các đại biểu thảo luận tại tổ

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022, tỉnh cần tận dụng tốt cơ hội để phục hồi, phát triển kinh tế; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển toàn Khu kinh tế Thái Bình về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của địa phương.

Chủ động ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh

Có thể khẳng định, năm 2021, tỉnh Thái Bình đã làm tốt công tác chủ động ứng phó từng giai đoạn, cấp độ bùng phát của dịch bệnh Covid-19; chủ động hỗ trợ, chi viện nhiều cán bộ, y bác sĩ giúp các tỉnh phía Nam, góp phần không nhỏ vào kết quả phòng, chống dịch bệnh chung của cả nước. Dù vậy, theo đại biểu Phạm Thị Như Phong, sau những kết quả đạt được, biểu hiện chủ quan, lơ là đã xuất hiện ở một số địa phương, đơn vị; ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch của một số cá nhân, tổ chức chưa nghiêm. Cán bộ y tế ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng trong thống kê, tổng hợp, phân loại, quản lý các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19.

Đại biểu đề nghị, ngành y tế cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả để vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, có kịch bản chủ động ứng phó với xu hướng diễn biến mới của dịch. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine cho người dân để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. 

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Hòa đề nghị, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện kịp thời, quyết liệt. Trong đó, chú trọng làm tốt việc khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm đối với các trường hợp có nguy cơ cao, những khu vực có khả năng lây nhiễm cao để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; bên cạnh đó, có chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Khánh Duy