Kết nối tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid - 19

Cần giải pháp tổng thể

- Thứ Ba, 14/09/2021, 12:19 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam, những giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản thời gian qua chỉ là biện pháp tình thế. Bởi vậy, về lâu dài, nếu không có giải pháp tổng thể, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ tháng 7, dịch bệnh bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản ở nhiều địa phương, gây khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm nông sản ra vào khu vực sản xuất, nơi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất vẫn gặp khó khăn tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế… dẫn đến khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Như vậy có thể thấy, không chỉ trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh mà cả trong điều kiện bình thường, việc liên kết trong sản xuất và kết nối sản xuất với tiêu thụ là yếu tố đặc biệt quan trọng để sản xuất nông nghiệp bền vững. Những khó khăn trong lưu thông, chế biến đều tác động đến đầu ra, giảm giá thành sản phẩm. Đáng tiếc, dù việc này đã được chỉ ra từ lâu nhưng đây vẫn là khâu yếu nhất hiện nay.

Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp tổng thể sẽ dẫn tới việc chuỗi cung ứng gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng trệ sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng. Ngoài ra, cần thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, bảo đảm giá trị, quy mô hàng hoá; bảo đảm chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thì cho rằng, để giúp nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp phải thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 - 10 năm. Ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn "hằn" lên tư duy phát triển. Ví dụ như việc thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào? Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt các tỉnh, do đó, để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc phải có giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản là tất yếu, từ đó có thể mở rộng không gian phát triển, tiết kiệm chi phí trong lưu thông, sản xuất. Muốn vậy, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc thực hiện xã hội hoá. Người dân cần thay đổi tư duy triệt để, chấm dứt sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, hướng đến mục tiêu lâu dài trong toàn ngành là tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng để bảo đảm bền vững, có thể ứng phó với những biến động cũng như dịch bệnh trong tương lai, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể. Các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.

 

Khương Ninh