Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cần hệ thống giải pháp đồng bộ và hữu hiệu

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 06:11 - Chia sẻ
Dù có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực, song sản xuất lúa đã cho thấy một số điểm yếu. Bởi lý do này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cân nhắc việc để đồng bằng sông Cửu Long dù chỉ chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước phải gánh 47% diện tích đất lúa, có diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng thấp hơn khu vực khác. Song, vì đây là tư liệu sản xuất quý giá, nên đa số đại biểu cho rằng, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ và hữu hiệu hơn để bảo vệ diện tích đất trồng lúa.

Sản xuất lúa có một số điểm yếu

Theo đề xuất của Chính phủ tại Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) quốc gia, trong số 3,568 triệu héc ta đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300 nghìn héc ta, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại. Hướng quy hoạch sử dụng đất trồng lúa như đề xuất của Chính phủ như vậy đã cơ bản bám sát Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa.

Nhưng, thực tế ở một số nơi cho thấy, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra, và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Nguyên nhân của tình trạng này được ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) lý giải, do sản xuất lúa có một số điểm yếu, khi hiệu quả sản xuất thấp và rất bấp bênh (chỉ bằng 1/10 của sản xuất thủy sản), người sản xuất lúa luôn nghèo, trong khi lại có chi phí đầu tư các công trình cứng lớn (như cống, thủy lợi).

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng chỉ ra một số điểm mâu thuẫn trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là, đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước phải gánh 47% diện tích đất lúa. Và, thực tế cho thấy làm nông khó giàu, song “ly nông nhưng không ly hương” đang là mục tiêu đặt ra ở nhiều địa phương. Do vậy, với quy hoạch diện tích đất trồng lúa như Chính phủ đề xuất, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nhận thấy, trong 10 năm tới, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng sản xuất lúa chính, vì sự chuyển đổi diện tích là quá nhỏ. Và, theo hướng này, vùng đồng bằng sông Cửu Long khó có thể đô thị hóa hoặc phát triển theo hướng công nghiệp nhanh.

Liên quan đến diện tích đất trồng lúa được giảm đến năm 2030, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, diện tích đất trồng lúa giảm này chỉ tập trung ở đồng bằng sông Hồng (giảm 101.000ha), đồng bằng sông Cửu Long giảm hơn 88.000ha để chuyển sang đất phi nông nghiệp, trong đó có đất công nghiệp. Với sự phân bổ này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ giải trình rõ vì sao đồng bằng sông Hồng diện tích ít lúa lại được chuyển mục đích sử dụng đất nhiều hơn? Phải chăng theo quy hoạch, chỉ có đồng bằng sông Cửu Long làm nhiệm vụ an ninh lương thực cho cả nước?

Đưa ra những vấn đề cần giải trình thấu đáo nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa lý giải, với việc giữ diện tích đất trồng lúa lớn tại đồng bằng sông Cửu Long thì nguồn lao động dư thừa trong sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyển dịch sang lao động công nghiệp, cung cấp nguồn cho Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, đồng bằng sông Cửu Long không có cơ hội để hình thành các khu công nghiệp mang tầm vóc quốc gia, nhà đầu tư khó về khu vực này để đầu tư. Người dân sông Cửu Long muôn thuở là lúa, cá, cây ăn trái. Với những hệ quả phát sinh nêu trên, đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc việc giảm diện tích trống, đất trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long thấp, để bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa vùng, miền với nhau, tránh có sự so bì.

Xác định nguyên tắc cho phép chuyển đổi đất trồng lúa

Thừa nhận về mặt kinh tế việc chuyển sang trồng cây khác và nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế, song, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lưu ý, trong số diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp thì có tới 48.000ha đất lúa chuyển sang đất làm khu công nghiệp. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà khoa học thì mỗi héc ta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, khu công nghiệp thường kéo theo khoảng 1 - 2ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải. Do vậy, dù về lâu dài để phát triển kinh tế sẽ cần phải có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng đại biểu vẫn đề nghị, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Và, muốn như vậy sẽ cần xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ.

Để giữ ổn định diện tích đất trồng lúa ổn định, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Ủy ban Kinh tế: Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn thì cần có tổng kết về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, qua đó xác định các chính sách phù hợp hơn, có các giải pháp để tăng giá trị lúa gạo.

Đề xuất những giải pháp cụ thể hơn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa gợi mở, cùng với việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa thì cần nghiên cứu, cân nhắc cho phép địa phương nào giữ đất lúa sẽ được Nhà nước cấp bổ sung ngân sách Trung ương cho những nơi này để bảo đảm phát triển hạ tầng và xã hội, không thua kém những tỉnh làm công nghiệp, dịch vụ. Có như vậy các địa phương này mới yên tâm giữ đất lúa. Đại biểu cũng nhấn mạnh, lúa gạo nên được hỗ trợ giá, Nhà nước có thể công bố giá sàn với lúa theo từng thời điểm, bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi không thấp hơn 40% giá bán. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất tín dụng để các doanh nghiệp thu mua hết lúa gạo hàng hóa để người dân yên tâm sản xuất. Nông dân trồng lúa thì được hưởng nhiều ưu đãi như được hỗ trợ kinh phí mua dầu đống, phân bón khôi phục sản xuất; được xem xét cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ; hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế. “Nếu chúng ta làm tốt được những điều này sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa” là lợi ích được đại biểu Mai Thị Phương Hoa đưa ra khi triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trong những trường hợp nhất định cần đưa ra giá bồi thường đất lúa ở mức cao khiến nhà đầu tư phải "chùn tay" trước đất lúa và sẽ chuyển sang lấy đất khác rẻ hơn. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tự ý chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh không đúng quy hoạch. Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng sàn giao dịch lúa gạo, tạo điều kiện kết nối thị trường gạo trong nước với thế giới và thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Đất lúa là một tư liệu sản xuất đặc biệt quý giá. Chừng nào chúng ta còn bảo vệ nghiêm ngặt được nguồn tư liệu này sẽ phần nào yên tâm về an ninh lương thực, dành thời gian, công sức để phát triển các ngành kinh tế khác. Nhưng, rõ ràng, khi sản xuất lúa gạo có một số điểm yếu như đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên thảo luận trực tuyến chiều qua đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ phải nghiên cứu, rà soát để xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hiệu quả hơn những địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, cũng như có các giải pháp để tăng giá trị lúa gạo.

Lê Bình