Cần làm rõ khái niệm “Bộ, ban, ngành, tỉnh” tại dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

- Thứ Tư, 17/11/2021, 14:52 - Chia sẻ

Thạc sỹ Đoàn Phúc Thịnh,

Phó Vụ trưởng Vụ QPAN - VPQH

 

 Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) (sau đây gọi chung là dự thảo Luật) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận bằng hình thức trực tuyến tại đợt một Kỳ họp thứ Hai vừa qua. Theo Chương trình, tại Kỳ họp thứ Ba tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật này. Hiện nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan đang tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý sau đó sẽ gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan khác có liên quan theo quy định.

Tại khoản 4 Điều 3 (Giải thích từ ngữ) nêu: “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng và tương đương ở Trung ương; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch Nước, Kiểm toán Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau đây gọi chung là Bộ, ban, ngành, tỉnh.  Giải thích này nhằm quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được thực hiện công tác thi đua, khen thưởng để bảo đảm chặt chẽ, đồng thời tránh phải quy định lại nhiều lần các cơ quan, tổ chức này, bảo đảm luật rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu.

Về kỹ thuật lập pháp: Tôi cho rằng, việc sắp xếp nội dung giải thích cụm từ này chưa thật hợp lý. Nghiên cứu quy định về cách giải thích từ ngữ của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiều luật đã ban hành([1]) thì các thuật ngữ (cụm từ) nào được dùng nhiều lần trong luật mà chưa được giải thích ở các luật trước đó thì phải có điều khoản giải thích ngay trong luật. Để bảo đảm tính logic thì việc giải thích tuân theo phương pháp chung là xếp thuật ngữ (cụm từ) cần giải thích trước, sau đó mới đến giải thích nội dung của khái niệm đó. Vì vậy, để bảo đảm sự thống nhất, đề nghị sửa lại khoản này theo hướng bỏ cụm từ “sau đây gọi chung là” và sắp xếp lại các nội dung như sau: “Bộ, ban, ngành, tỉnh Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng và tương đương ở Trung ương; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Về mặt nội dung: Khoản này được bổ sung hoàn toàn mới so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành. Qua nghiên cứu cho thấy, khái niệm này cơ bản đã bao quát đầy đủ hệ thống các cơ quan nhà nước, cơ quan thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được giao quyền thực hiện công tác khen thưởng ở Trung ương và địa phương. Hiện nay, để đảm bảo xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hệ thống cơ quan nhà nước ở Trung ương gồm: 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ; theo đó chỉ gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập một số cơ quan nhà nước ở trung ương, như: Ban Cơ yếu Chính phủ có vị trí pháp lý tương đương “cơ quan thuộc Chính phủ” (theo Nghị định số 09/2014/NĐ-CP ngày 27.01.2014 của Chính phủ); Đại học Quốc gia có vị trí pháp lý tương đương “đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ” (theo Nghị định 186/2013/NĐ-CP ngày 17.11.2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia); Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 03.3.2008 của Thủ tướng Chính phủ)... Mặt khác, theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng trước đây cũng như Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26.11.2003 (được sửa đổi năm 2005, năm 2013) thì các cơ quan do Chính phủ thành lập nói trên được hiểu là thuộc đối tượng “ngành” và vẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với ngành, lĩnh vực, cụ thể như: Công tác thi đua, khen thưởng trong Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam trong những năm qua thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hằng năm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định tặng Cờ thi đua của Ban Cơ yếu Chính phủ hoặc Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua (bao gồm các tổ chức cơ yếu các bộ, ngành, địa phương). Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 132/2013/TT-BQP ngày 05/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Cơ yếu Việt Nam” cho cá nhân thuộc lực lượng cơ yếu và cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương có nhiều công lao, cống hiến, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển lực lượng cơ yếu Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, vì tổ chức của lực lượng cơ yếu gồm Ban Cơ yếu Chính phủ; hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao và hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương (hệ thống tổ chức cơ yếu Đảng - Chính quyền) là đầu mối độc lập đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và sự quản lý về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức cơ yếu cấp trên.

Tuy nhiên, nội hàm của giải thích khái niệm “Bộ, ban, ngành, tỉnh” tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật chưa quy định nhóm “cơ quan khác do Chính phủ thành lập” sẽ gây khó khăn cho công tác thi đua, khen thưởng của ngành Cơ yếu (vì theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định). Theo đó, việc tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Ban Cơ yếu Chính phủ về chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Cơ yếu Việt Nam” cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào thi đua và có nhiều công lao, cống hiến, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng Cơ yếu Việt Nam sẽ không thực hiện được. Ban Cơ yếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý, không phải là cơ quan của Bộ Quốc phòng, do đó, không thể nằm trong khối thi đua, khen thưởng của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng.

 Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, do Luật Thi đua, khen thưởng có phạm vi điều chỉnh rộng, các điều luật có nội dung liên quan đến các bộ, ban, ngành, địa phương nên khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật xác định cụ thể chủ thể có thẩm quyền trong việc thực hiện các quy định của Luật là phù hợp.

Nghiên cứu một số luật đã ban hành gần đây, ví dụ như: tại khoản 4 Điều 8 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 để bảo đảm rõ ràng, thống nhất, dễ thực hiện luật đã quy định cụ thể các đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao gồm: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác do Chính phủ thành lập... Do đó, để bảo đảm tính khả thi của Luật Thi đua, khen thưởng sau khi ban hành, không làm mất đi thẩm quyền của người đứng đầu và công tác thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan do Chính phủ thành lập, trong đó có ngành cơ yếu Việt Nam (như nêu trên đã và đang thực hiện ổn định, không có gì vướng mắc). Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để bổ sung vào khoản 4 Điều 3 cụm từ “cơ quan khác do Chính phủ thành lập” vào ngay sau cụm từ “cơ quan thuộc Chính phủ” cho đầy đủ, đồng thời rà soát, bổ sung cụm từ này tại một số điều khoản khác cho thống nhất ngay trong văn bản luật.

___________________

[1] Như: Khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân…”. Khoản 1 Điều 2 Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”…

Đoàn Phúc Thịnh