Cần lộ trình, bước đi phù hợp

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:17 - Chia sẻ

Cách đây gần một năm, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2020/CT-TA, chỉ đạo TAND các cấp tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến khi có đủ điều kiện. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với mô hình "Tòa án điện tử" theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Nói về định hướng cải cách tư pháp năm 2021 - 2030, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã nhận định, cải cách tư pháp là xu thế, liên tục, phổ biến ở rất nhiều quốc gia, Việt Nam cũng nằm trong xu thế tất yếu đó. Cải cách tư pháp cần đẩy mạnh để đáp ứng sự thay đổi của tình hình mới, đó là nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, đặt ra mục tiêu năm 2023 hoàn tất xây dựng Tòa án điện tử - một giải pháp tưởng chừng không thể thực hiện với nền tảng cũ nhưng đang thực sự vận hành hiệu quả tại một số quốc gia có nền tảng internet thế hệ thứ 4 và thứ 5.

Đơn cử như tại Trung Quốc, mô hình tòa án đặc biệt này được xây dựng để tiếp nhận hồ sơ và xét xử trực tuyến, chỉ dành riêng cho thương mại điện tử và các vụ án liên quan đến internet. Hay tại Philippines, ngay từ năm 2013, TAND Tối cao đã đưa vào thí điểm thi hành hệ thống Tòa án điện tử, trên cơ sở tích hợp một số chức năng như tự động đẩy hồ sơ các vụ án tương tự đến các chi nhánh tòa án; các phiên điều trần, phiên xét xử được tổ chức trực tuyến và người dân theo dõi vụ án có thể truy cập trực tiếp trên internet…

Rõ ràng, với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng internet trong nhiều năm qua, khi thí điểm thành công mạng 5G cùng tỷ lệ dân số sử dụng internet đứng hàng đầu thế giới, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng xây dựng mô hình này nếu có đủ quyết tâm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, tổ chức phiên tòa điện tử giúp bảo đảm không tập trung đông tại một phòng xử án, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; tòa án giảm bớt chi phí, thời gian đi lại, ăn ở, tổ chức phiên tòa lưu động khi xét xử ở các địa phương.

Lợi ích là vậy nhưng tính đến nay, hãn hữu mới có vụ án hình sự được đưa ra xét xử theo phương thức trực tuyến. Các phiên tòa dân sự, hành chính, hay các phiên họp trọng tài, hòa giải thương mại Việt Nam vẫn theo cách hiện diện truyền thống. Nguyên nhân là bởi việc tiến hành phiên tòa trực tuyến trên thực tế còn gặp phải rất nhiều khó khăn về cả quy định pháp luật lẫn thực tiễn áp dụng. Điều 225, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói, điều này vô hình trung khiến việc tiến hành xét xử theo mô hình trực tuyến gặp khó khăn. Hơn hết, mặc dù lợi ích của phiên xử trực tuyến là khá rõ ràng, nhưng có ý kiến cho rằng, việc xem xét các chứng cứ thông qua hình thức trực tuyến có thể sẽ không đem lại hiệu quả như trong các phiên xử khi mà các bên đều có mặt tại phòng xử…

Phải nói rằng, những khó khăn, vướng mắc này không lớn, sau những lúng túng ban đầu, việc xét xử trực tuyến có thể sẽ nhanh chóng trở nên quen thuộc, thành thạo. Trở ngại lớn nhất trong triển khai mô hình mới này có lẽ ở tâm lý, nhận thức, e ngại không muốn thay đổi thói quen hay nóng vội khi có sự cố về kỹ thuật xảy ra tại phiên tòa. Cũng cần chuẩn bị thêm nhiều yếu tố, không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho hệ thống tòa án máy móc, thiết bị cần thiết, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tòa án, mà quan trọng hơn là phải phổ cập tin học để người dân có thể tự tin lựa chọn và dễ dàng tham gia các phiên tòa điện tử.

Với điều kiện hiện nay của nước ta, trong tương lai gần, khó có thể ngay lập tức thành lập và đưa vào hoạt động các tòa án điện tử hoàn chỉnh. Thế nhưng, có thể đi dần từng bước nhỏ bằng cách ban đầu ứng dụng một phần các dịch vụ của tòa án điện tử như nộp và tiếp nhận đơn qua internet, quản lý hồ sơ vụ việc bằng phần mềm điện tử… TAND các cấp cần có quyết tâm, linh hoạt trong triển khai phiên xử trực tuyến; từ đó tích lũy thêm kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này trong tương lai. Điều quan trọng là TAND Tối cao cần yêu cầu TAND các cấp đăng ký phiên tòa xét xử trực tuyến tương tự như phiên tòa rút kinh nghiệm đã được thực hiện rất tốt thời gian qua, nhằm khuyến khích họ làm quen và chủ động tiếp cận mô hình mới.

Đỗ Quyên