Cần một Luật Giáo dục đại học thực chất và đổi mới <sup>(1)</sup>

- Thứ Sáu, 06/05/2011, 07:21 - Chia sẻ
Khi QH thông qua Luật Giáo dục năm 1998 và năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật được hiểu là luật khung quy định chung nền giáo dục nước nhà trong khi chờ đợi sớm được ban hành các luật quy định các lĩnh vực giáo dục, trong đó có lĩnh vực đại học.

Có nghĩa là việc ban hành các luật điều chỉnh các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đại học, là cần thiết và đã được chờ đợi từ hơn mười năm nay. Càng cấp thiết hơn nữa khi chất lượng giáo dục đại học có dấu hiệu ngày càng sa sút, các bất cập và yếu kém gây ra trong xã hội nhiều bức xúc và băn khoăn đối với tiền đồ đất nước.

Một tín hiệu tốt: một dự thảo Luật Giáo dục đại học đã được giới thiệu với Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH để được góp ý. Nhiều cuộc họp cũng đã được tổ chức để thảo luận về dự thảo này.

I. Về quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng và mục đích yêu cầu của Luật

Luật GD 2005 có 9 Chương và 120 điều trong đó Mục 4 Chương II, với 6 Điều quy định về giáo dục đại học. Có 23 Điều khác trong đó cụm từ đại học được sử dụng. Ngoài ra, còn nhiều điều, mục, chương của Luật GD 2005, tuy không chứa cụm từ đại học nhưng nội dung bao hàm lĩnh vực này (2).

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH) lần thứ tư (9.4.2011) có 9 Chương, 50 Điều, lần thứ tư (27.4.2011) có 9 Chương, 52 Điều. 

Là một dự án xây dựng luật, thiết nghĩ Ban soạn thảo phải liệt kê danh sách các nghị quyết của QH và luật có liên quan, các văn bản dưới luật theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều hành và quản lý lĩnh vực giáo dục đại học (3) ; chỉ ra đã kế thừa các văn bản này như thế nào, đã đưa vào luật những quy định nào, không đưa vào những nội dung nào (Hội đồng Trường chẳng hạn), chưa quy định những vấn đề nào (hoạt động phi lợi nhuận chẳng hạn) và nói rõ lý do.

Việc làm bắt buộc có tính khoa học này sẽ cung cấp cho QH và cử tri những thông tin hữu ích, giúp hiểu được tại sao đã có các văn bản đó rồi mà yếu kém và bất cập vẫn tồn tại và tiếp diễn, để từ đó việc góp ý xây dựng Luật GDĐH được tốt hơn.

Rất tiếc một văn bản như vậy không có để tham khảo và Bản thuyết minh chi tiết và báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật cũng không hề đề cập tới.

Nghiên cứu và đối chiếu các điều, mục, chương của Dự thảo cho tôi cảm nhận nó là kết quả của một sự trích xuất, sắp xếp lại, có sử dụng một số nội dung trong Điều lệ Trường Đại học. Dự thảo dẫn về Luật GD 2005 ở nhiều Điều, mà đáng lý ra dự thảo phải cụ thể hóa vì là luật lĩnh vực, không khỏi khiến người đọc nghĩ đó là những nội dung khó mà Bộ còn lúng túng, chưa có giải pháp.

Tờ trình Dự án Luật GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành hai trang để trình bày về quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc xây dựng dự thảo Luật, với rất nhiều trích dẫn các nghị quyết của Đảng về đường lối Đổi mới, về giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, v.v. ... đã được nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện khác nhau. Thật là thất vọng khi dự thảo Luật chưa cho thấy việc thể chế hóa các nghị quyết đó bằng những điều luật cụ thể trong dự thảo Luật.

Tôi không rõ về quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng và mục đích yêu cầu của Luật, Bộ và Ban soạn thảo có xem đây là một cơ hội tốt để giải quyết các yếu kém bất cập của giáo dục đại học hiện nay hay không?

Tôi thiết nghĩ chỉ nên ban hành Luật GDĐH khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng, thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước, để đưa nền giáo dục đại học vượt qua những yếu kém hiện nay, phát triển vững chắc và hội nhập với thế giới.

II. Những vấn đề bức xúc mà Luật GDĐH nhất thiết phải giải quyết

Có rất nhiều yếu kém và bất cập của giáo dục đại học gây bức xúc, mà lần giám sát của UBTVQH đầu năm 2009 đã ghi nhận. Xin trích:

* Cơ cấu tổ chức lộn xộn chồng chéo, bất hợp lý của hệ thống giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt là đại học và trường đại học (có người gọi là đại học trong đại học hay đại học hai cấp);

* Vấn đề phân cấpquyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. 400 cơ sở giáo dục đại học hiện nay là một thực tế hỗn tạp, hậu quả của một sự phát triển coi trọng số lượng hơn chất lượng, khá tùy tiện và không ít tiêu cực trong những năm gần đây. Không có giải pháp căn cơ, nhập nhằng, vá víu hay cởi trói nửa vời, về thực chất là kéo dài cơ chế xin – cho, chẳng những sẽ không quản lý được mà còn làm xấu thêm tình hình. 

* Tình trạng thành lập tràn lan các trường đại học, công lập, và tư thục, trong cả nước vẫn cứ tiếp diễn mặc dù không hội đủ điều kiện;

* Vấn đề xã hội hóa giáo dục đại học và thể chế hóa Điều 20 của Luật Giáo dục 2005. Cần xác định tính chất của các cơ sở đại học tư thục, dân lập nay trở thành tư thục, và có vốn đầu tư nước ngoài (hoạt động phi lợi nhuận hay kinh doanh) và tính chất của tài sản của các cơ sở này để từ đó đề ra chính sách tài chính thích hợp nhằm xã hội hóa đúng nghĩa, đúng mục đích, không trượt sang thương mại hóa giáo dục;

* Vấn đề tuyển sinh đại học hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ duyệt, thực trạng tuyển so với điểm sàn. Cách tuyển sinh đại học hiện nay cộng với đào tạo thả lỏng ở đầu ra, tác động rất tiêu cực đến chất lượng đào tạo đại học;

* Vấn đề đầu tư cho các trường đại học công lập và vấn đề học phí ở các trường này, đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học;

* Sự bình đẳng trong quản lý nhà nước đối với các trường đại học công lập và trường đại học tư thục;

* Phương thức đào tạo theo tín chỉ hay theo niên chế vẫn còn trong cảnh tranh tối tranh sáng;

* Đội ngũ giảng viên thiếu và yếu. Tình trạng cho mượn tên, cho mướn bằng, và dạy theo kiểu chạy show vẫn đang tiếp diễn; 

* Vấn đề quản lý song trùng các trường Đại học Y dược, Đại học Nông nghiệp, Thủy sản, ...

Tờ trình nêu lên rất nhiều yếu kém bất cập trong GDĐH hiện nay (phần lớn bắt nguồn từ những tồn tại trên đây) khi nói về sự cần thiết ban hành Luật. Thế nhưng dự thảo Luật chưa thể hiện được ý chí và quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết các bức xúc nói trên.

Chẳng những thế, về quản lý nhà nước, dự thảo Luật vẫn duy trì cơ cấu tổ chức bất hợp lý của hệ thống GDĐH hiện nay, vẫn không phân cấp và còn tập trung thêm quyền lực về Bộ, tăng cường cơ chế xin – cho.

Từ những nhận xét trên đây, theo tôi dự thảo Luật Giáo dục đại học, như nó được soạn thảo, không đưa đến một luật mà nền giáo dục đại học của đất nước đang cần, một luật thực chất và đổi mới.

III. Kiến nghị

(1) Luật Giáo dục đại học chỉ nên ban hành khi nó đặt nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém và bất cập hiện nay của giáo dục đại học, và thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục này. Đây là một việc cần làm sớm ngày nào tốt ngày ấy.

(2) Về mục tiêu của giáo dục đại học, Luật cần chắt lọc những gì cơ bản nhất và không vượt quá chức năng của các trường đại học. Nên chăng viết gọn lại Điều 4 của dự thảo:

Giáo dục đại học đào tạo người học có kiến thức, năng lực nghiên cứu, và kỹ năng thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo; có ý thức phục vụ nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

(3) Luật GDĐH cần cải tổ cơ cấu của hệ thống giáo dục đại học, dứt khoát giải quyết sự cùng tồn tại khó hiểu của đại học và trường đại học, đồng thời mạnh dạn phân cấp quản lý nhằm vừa phát huy tiềm năng, tính chủ động và sáng tạo của cơ sở, vừa tạo điều kiện để Bộ GDĐT quản lý tốt ở tầm vĩ mô và tập trung vào những vấn đề chiến lược trong thời buổi hội nhập với thế giới.

Cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý đổi mới phải dựa trên phân tích hiện trạng không thuần nhất của các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập hiện nay, các mặt tích cực và chưa hợp lý của cơ cấu hiện tại, của mô hình Đại học Quốc gia, Đại học vùng.

(4) Luật cần chính thức hóa phương thức đào tạo theo tín chỉ. Đào tạo theo tín chỉ cho phép người học có thể rút ngắn thời gian học tập, cho phép chính quy hóa (cả về chất lượng) đào tạo tại chức và đào tạo thường xuyên, cho phép liên kết liên thông trong đào tạo đại học trong nước, và trong hợp tác với bên ngoài.

(5) Phải luật hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học trong Luật, nhằm hai mục tiêu: một là phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục đại học; hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được tiếp cận ngày càng nhiều với giáo dục đại học.

Vấn đề mấu chốt cần làm rõ là các loại hình cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, và tính chất của tài sản tích lũy được để từ đó có chính sách tài chính thích hợp.

(6) Cần làm rõ những điều kiện tối thiểu phải có và những cam kết mang tính pháp lý để có được quyết định thành lập cơ sở giáo dục đại học, và quyết định cho phép hoạt động giáo dục đại học, cũng như các chế tài nếu vi phạm, để ngăn ngừa những hoạt động kinh doanh trá hình giáo dục đại học.

(7) Luật Giáo dục đại học cần quy định sự liên thông cần có giữa các trường cao đẳng nghề với các trường đại học để đào tạo kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ (kỹ thuật).

Sự tồn tại song song và biệt lập giữa lĩnh vực đào tạo nghề cấp từ cao đẳng trở lên và đại học với giáo dục đại học trong thời đại ngày nay là khó chấp nhận.

(8) Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo từ mẫu giáo đến đại học, từ phổ thông đến dạy nghề rất rộng, từ chính quy đến thường xuyên; nhân nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ khóa mới sắp tới, tôi kiến nghị tách Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay ra làm hai: Bộ Giáo dục và đào tạo phụ trách mảng giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, và Bộ Đại học và Nghiên cứu khoa học, phụ trách lĩnh vực cao đẳng, đại học, kể cả mảng nghề từ cao đẳng trở lên.

______________________________________

1. Trích từ Bài Góp ý gửi Ủy Ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, đã được trình bày tại hội thảo ngày 28.04.2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ví dụ như Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường, Điều 20. Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục; Ch.VII, Mục 2. Đầu tư cho giáo dục; Chương VIII Khen thưởng và xử lý vi phạm.

3. Trước tiên đó là Điều lệ Trường Đại học ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Điều lệ này thay thế một Điều lệ Trường Đại học trước đó, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ riêng liên quan đến xã hội hóa giáo dục, sơ bộ có các văn bản sau: Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Quyết định của Thủ tướng Chinh phủ số 61/2009/QĐ -TTg. Liên quan đến cơ chế tài chính, có Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thông tư số 135/2008/TT-BTC hướng dân thi hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Gs.Tskh. Nguyễn Ngọc Trân