Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế:

Cân nhắc cách giải thích khái niệm thỏa thuận quốc tế

- Thứ Hai, 13/07/2020, 17:59 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 46, chiều nay, 13.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu điều hành Phiên họp

Không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận vay vốn ODA

Trình bày Báo cáo đề xuất tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại Kỳ họp thứ Chín, một số đại biểu đề nghị xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này không bao gồm các thỏa thuận quốc tế về cho vay, viện trợ của Việt Nam ra nước ngoài, về việc viện trợ phi Chính phủ của nước ngoài, về vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; về hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng theo pháp luật dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài theo pháp luật về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo pháp luật về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo pháp luật dân sự; hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (khoản 2, điều 1, dự thảo Luật).

Về khái niệm thỏa thuận quốc tế, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khái niệm này được sửa đổi theo hướng “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế” (khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật). Bên cạnh sửa đổi khái niệm thỏa thuận quốc tế, chủ thể tại Việt Nam được ký kết thỏa thuận quốc tế cũng được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, chỉ áp dụng đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, dự thảo Luật có quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.

Thỏa thuận quốc tế sẽ không làm phát sinh trách nhiệm pháp lý?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các đề xuất tiếp thu, giải trình dự thảo Luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn với khái niệm thỏa thuận quốc tế khi nhìn vào thực tế nhiều thỏa thuận quốc tế do Quốc hội Việt Nam ký với Quốc hội nước ngoài, hoặc giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam với cơ quan của Quốc hội nước bạn. Trong các thỏa thuận này có quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, trao đổi đoàn quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng… Hay các đoàn nghị sỹ sang thăm, làm việc song phương thường có cam kết bảo đảm chi phí nội địa, trừ chi phí sử dụng máy bay quốc tế.  Vậy trường hợp này có phải là một ràng buộc pháp lý không? - Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, khi giữa các tỉnh biên giới ký thỏa thuận về trao đổi kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự biên giới… sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý. Bởi, nếu không phát sinh trách nhiệm pháp lý sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp một bên không tôn trọng thực hiện thỏa thuận đã ký? 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để thỏa thuận quốc tế có ý nghĩa phải có sự ràng buộc trách nhiệm thực hiện, chỉ khác với cam kết quốc tế là không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật “không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế” cần cân nhắc, vì phạm vi, phạm trù pháp luật quốc tế sẽ được hiểu tùy theo cách hiểu của mỗi bên tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế. Thực tế, khái niệm pháp luật quốc tế cũng không được hiểu đồng nhất giữa các quốc gia trên thế giới. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, tại quy định giải thích về khái niệm thỏa thuận quốc tế cần làm rõ ba điểm gồm: Cam kết hoặc thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên nước ngoài và bên ký kết Việt Nam; Ràng buộc trách nhiệm thực hiện của các bên ký kết; Không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

P.Thủy