Cân nhắc điện than !

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 11:37 - Chia sẻ
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật mới được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến các đơn vị, bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ trong tháng 9 này, một số thông số đã có sự thay đổi so với Tờ trình 1682 mà Bộ Công thương trình Chính phủ hồi tháng 3 năm nay.

Cụ thể, tại phương án phát triển nguồn điện sau khi rà soát, nhiệt điện than dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.649 MW, tăng hơn 3.070MW so với tờ trình trước. Đến giai đoạn năm 2045, nhiệt điện than dự kiến đạt 50.699MW, trước khi rà soát Bộ Công thương đưa ra con số là 50.168 MW. Trong khi đó, năng lượng điện gió chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; riêng điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh. Riêng điện mặt trời giai đoạn đến năm 2030 giữ nguyên với mức 18.640 MW song đến giai đoạn 2045 sẽ giảm từ 55.090MW xuống còn 51.540MW.

Về công suất các loại điện theo dự thảo, tại phương án phụ tải cơ sở đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất các nguồn điện. Trong phương án phụ tải cao, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 27,4% xuống còn 24,9% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 26,7% lên tới 28,2% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Tại phương án phụ tải cơ sở đến năm 2045, tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm từ mức 41,8% xuống còn khoảng 38% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện khí tăng từ 18,4% lên 20,6% tổng công suất đặt các nguồn điện. Ở phương án phụ tải cao, tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm từ mức 43,2% xuống còn 40,2% tổng công suất các nguồn điện trong khi tỷ lệ các nguồn điện khí tăng từ 18,1% lên 21,2% tổng công suất các nguồn điện. Các nguồn điện than sẽ giảm từ mức 17,1% xuống còn 15,4% tổng công suất các nguồn điện...

Như vậy có thể thấy, điểm đáng chú ý tại dự thảo Quy hoạch này là nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000MW, trong khi điện than sẽ tăng hơn 3.000MW.  Liên quan đến vấn đề này, tại Tọa đàm trực tuyến Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại Lộ trình chuyển dịch xanh do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức chiều 16.9, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá chú trọng vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021 - 2030) và tiếp tục kéo dài sang giai đoạn 2035 - 2045.

Theo phân tích của đại diện VSEA thì đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi. Cụ thể, từ phân loại 30.000MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800MW nhưng có tới 15 dự án đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn, công suất khoảng 16.400 MW. Hơn nữa, với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính - tương đương khoảng 16.400 MW cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm phương án thay thế...

Ý kiến khác thì cho rằng, trong khi nước ta đang nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính thì dự thảo Quy hoạch Điện VIII lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo - điều này có thể sẽ gây ra nhiều tác động và hệ lụy. Mặt khác, khi xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần phải bám sát vào Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Vậy nên, cho dù Quy hoạch Điện VIII đã sửa chữa những khuyết điểm từ Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh song cần hết sức cân nhắc việc phát triển điện than vì không hợp với xu thế. Điện than phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu than, khó tiếp cận nguồn tài chính cũng như gây ra những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường. Cho nên, dù việc cắt giảm ngay nguồn điện than là việc khó nhưng quy hoạch phải có lộ trình giảm dần điện than trong thời gian tới...

Hiện nay, dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật mới đang trong quá trình lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc có nên tiếp tục phát triển điện than hay không cần được xem xét một cách thấu đáo, từ đó có giải pháp tối ưu nhằm phát triển năng lượng bền vững.

Ninh Khương