Cần nhiều cải cách để đi vào trạng thái bình thường mới

- Thứ Hai, 27/09/2021, 10:04 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng nay, 27.9, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ 5 nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam chưa được như mong muốn, đồng thời, đưa ra 4 đề xuất góp phần giúp nước ta đi vào trạng thái bình thường mới bền vững.

5 yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo chỉ đạt mức trung bình

Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới được đánh giá suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91%. Cùng với Trung Quốc và Mianma, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực trong năm nay; đồng thời quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan và Phillipines).

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Jacques Morisset phát biểu tại Tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Nhưng, tác động mạnh mẽ của lần bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid – 19, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam từ nước có mức tăng trưởng thuộc nhóm các quốc gia cao của thế giới trong năm 2020 (2,9%), đã xuống nhóm có mức tăng trưởng trung bình. Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 của Việt Nam là 4,8%, đây là mức tăng trưởng trung bình trên thế giới. Trong khi đó, các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có mức tăng trưởng GDP cao nhất là 7,6%, khu vực Nam Á có mức tăng là 7,3%, các quốc gia thu nhập trung bình trên thế giới cũng có mức tăng GDP trung bình khoảng 6,8%.

Chỉ ra 5 nguyên nhân của kết quả đi xuống ở Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho là do tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm ngay cả khi đã được tăng tốc trong thời gian gần đây; hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế.

Các đại biểu nước ngoài tham dự Tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách

Vậy Việt Nam cần có kế hoạch gì trong trường hợp dịch bệnh Covid – 19 tiếp diễn trong năm 2022, thậm chí đến năm 2023? 

Trả lời câu hỏi này, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra 4 đề xuất. Theo đó, vẫn tiếp tục xác định tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch, và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Tiếp tục có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn. Tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Trong đó, theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hạn chế đi lại thông minh hơn sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Bởi mọi người đều có thể làm lây nhiễm Covid - 19 ngay cả khi đã được tiêm chủng nên chưa thể bỏ việc hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, thay vì cách ly theo quy mô rộng, các địa phương cần thực hiện cách ly có mục tiêu để vừa chỉ bỏ ra chi phí phù hợp, vẫn đáp ứng yêu cầu chặn đứt các vòng lây của virus gây ra dịch bệnh Covid - 19.

Liên quan đến mục tiêu này, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đề xuất, cần thực hiện giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển. Đồng thời, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đề nghị, cần đơn giản hóa/điều phối các quy trình, không thể đã bảo đảm kiểm soát được khu vực biên giới mà vẫn cần 5 tuần để xử lý các thủ tục hành chính trước khi phê duyệt cho du khách.

Một đề xuất quan trọng khác của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam là phải thực thi hiệu quả các giải pháp được Quốc hội, Chính phủ xác định, cũng như khuyến nghị của các tổ chức thế giới. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cần rút kinh nghiệm từ việc kết quả phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế có kết quả không đồng đều giữa các địa bàn để xác định cách thức thực thi hiệu quả các giải pháp được xác định thời gian qua. Từ đó, giúp Việt Nam có thể đi vào trạng thái bình thường mới bền vững.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh “đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách”. Để thực hiện mục tiêu này, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần đơn giản hoá các quy trình và thủ tục hành chính; sử dụng thông minh các công cụ thị trường (chính sách khuyến khích); tăng cường thực thi các quy định pháp luật; thúc đẩy các quy trình có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. 

Lâm Hiển