Đánh giá tác động môi trường

Cần nhiều hơn năng lực và trách nhiệm

- Thứ Bảy, 22/06/2013, 08:33 - Chia sẻ
Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có ý nghĩa quan trọng được xem như một công cụ để thực hiện công tác quản lý đối với môi trường. Song trên thực tế công cụ này chưa thực sự phát huy được hiệu quả, một phần xuất phát từ trách nhiệm, năng lực cũng như đạo đức của các chủ thể lập, phê duyệt, thẩm định báo cáo.
 
Nguồn: ITN

Báo cáo hình thức

Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, việc thực hiện ĐTM đối với nhiều dự án còn mang tính hình thức, chủ dự án mới chỉ coi đây như một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án. Xuất phát từ quan niệm đó, nhiều chủ dự án khi được yêu cầu lập báo cáo thì làm cho lấy lệ, cho đủ thủ tục thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ tới môi trường thực sự. Xem xét phần lớn các báo cáo ĐTM hiện nay có thể nhận thấy một thực tế, những báo cáo này mới chỉ lưu ý đến tác động có hại, trực tiếp, trước mắt, tác động tới môi trường tự nhiên mà ít quan tâm đến tác động gián tiếp, lâu dài và tác động tới xã hội. Việc thiếu chú ý đến tác động xã hội có thể thấy rõ trong nhiều báo cáo đã được thực hiện đơn cử như Báo cáo ĐTM của Dự án Xây dựng nhà máy thủy điện Sơn Hương phần đánh giá tác động xã hội chỉ có 1 trang; Dự án Khai thác mỏ Titan ở Hà Tĩnh phần đánh giá tác động xã hội chỉ nửa trang hay Dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu có nội dung dày tới 200 trang, nhưng phần đánh giá tác động xã hội cũng chỉ có 2 trang. Có những báo cáo làm ngơ hoặc đánh giá thấp các giá trị cũng như vai trò của môi trường và hệ sinh thái ở nơi dự án đề xuất can thiệp để dễ được chấp thuận.

Nhiều báo cáo ĐTM có tới 80% là thiếu tính thực tế, là bản sao chép của các dự án khác, thậm chí có những trường hợp chủ đầu tư còn “quên” thay đổi địa danh cho phù hợp với dự án mới, cắt dán từ báo cáo này sang báo cáo khác. Chất lượng ĐTM như vậy cũng bởi trình độ, kinh nghiệm của người lập báo cáo ĐTM còn thấp. Đó là chưa kể một số chủ đầu tư giao hoàn toàn việc lập báo cáo ĐTM cho đơn vị tư vấn song chính các đơn vị này cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong khả năng lập báo cáo do thiếu khảo sát thực tế hay không liên hệ chặt chẽ với chủ đầu tư.

“Thiếu thông tin về đối tượng gây tác động và bị tác động cũng là nguyên nhân khiến nhiều báo cáo không đạt chất lượng” - Ts Nguyễn Khắc Kinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá ĐTM nhấn mạnh. Thông tin về tình trạng môi trường ở thời điểm hiện tại và dự báo ở tương lai, đặc biệt là thông tin về sức chịu tải của các thành phần môi trường như nước, không khí, đất, sinh vật còn thiếu nhiều. Người lập báo cáo không thể có được thông tin này một cách chính xác, đồng bộ và đầy đủ.

Tuy nhiên, đó không chỉ là vấn đề trình độ, chuyên môn hay kinh nghiệm mà sự thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật cũng là nguyên nhân khiến cho các báo cáo ĐTM chưa đạt yêu cầu. Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2005 mới chỉ quy định điều kiện của Tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM mà không yêu cầu chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM phải đáp ứng điều kiện này. Trong khi đó, Nghị định 29/2011/NĐ-CP lại xác định rất rõ chủ dự án phải đáp ứng một số điều kiện nhất định mới được phép lập báo cáo ĐTM. Việc ràng buộc phương thức thực hiện nghĩa vụ của chủ dự án như trong Nghị định 29/2011/NĐ-CP sẽ phần nào giảm thiểu được tình trạng chủ dự án không đủ điều kiện vẫn lập báo cáo ĐTM. Một số chuyên gia nhận định, Luật BVMT 2005 bỏ sót điều kiện của chủ dự án khi lập báo cáo ĐTM sẽ khiến chủ thể này làm báo cáo qua loa, chiếu lệ, đến khi được hỏi thì viện dẫn vào việc luật không có quy định.

Đạo đức của người lập báo cáo cũng là điều cần bàn tới. Thực tiễn đã chỉ ra, không ít chủ đầu tư “trốn” các quy định về ĐTM hay một bộ phận không nhỏ đơn vị tư vấn cam kết rất nhiều nội dung trong báo cáo ĐTM trong khi nội dung cam kết không thực sự có ý nghĩa với công tác quản lý môi trường mà chỉ với mục tiêu báo cáo ĐTM được phê duyệt một cách nhanh chóng.

Thẩm định qua loa…

Những báo cáo ĐTM hình thức, đối phó sẽ khó được phê duyệt nếu như công tác thẩm định nghiêm túc và có chất lượng. Thế nhưng, hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM vẫn chưa thực sự trở thành một kênh phản biện trong sự đối trọng với những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế. Đặc biệt là những dự án đầu tư quy mô lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như xây dựng thuỷ điện, cảng biển, khai thác khoáng sản, sửa chữa tàu biển, tái chế rác thải.

Việc các địa phương đua nhau trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư là một thực tế và báo cáo ĐTM không đạt chất lượng vẫn được xem xét phê duyệt cũng là điều dễ thấy. Một số chuyên gia cho rằng, đôi khi sự “đánh đổi giữa môi trường và phát triển” chưa được cân nhắc cẩn thận trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, có thể dễ dàng chuyển thành “bỏ qua”. Nhiều dự án gây hậu quả lớn tới môi trường, không có giá trị cao về mặt kinh tế vẫn được thông qua.

Thực trạng này cho thấy các quy định hiện hành dù đã xác định rõ chủ thể thẩm định báo cáo ĐTM song chưa đủ để ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo chất lượng của báo cáo. Theo quy định, trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM còn thuộc về Hội đồng thẩm định nhưng trách nhiệm của đối tượng này với kết luận thẩm định vẫn còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, trách nhiệm của Tổ chức dịch vụ thẩm định dù đã được luật xác định song mới chỉ dừng lại là chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan tuyển chọn dịch vụ thẩm định về kết quả thẩm định của mình mà không rõ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào. Sự sơ hở đó của pháp luật dễ dẫn tới tình trạng khó xác định được trách nhiệm thuộc về chủ thể nào khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt mà dự án vẫn làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo.

Mục đích cơ bản, trước tiên và lớn nhất của ĐTM là lựa chọn địa điểm dự án sao cho phù hợp với điều kiện, sức chịu tải của các thành phần môi trường tự nhiên song theo quy định hiện hành của Chính phủ tại Nghị định 21/2008/NĐ-CP thì hầu hết các dự án chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi địa điểm của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. “Phục vụ cho việc lựa chọn địa điểm đầu tư dự án không phải là chức năng duy nhất của công tác ĐTM nhưng khi chức năng quan trọng và chủ yếu nhất bị vô hiệu hóa thì ĐTM chỉ còn ý nghĩa “vuốt đuôi” cho xong thủ tục” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Sự hạn hẹp về số lượng và năng lực thẩm định của đội ngũ chuyên trách môi trường ở địa phương đối với những dự án lớn cũng là nguyên nhân khiến nhiều báo cáo ĐTM không đạt chất lượng vẫn được “cho qua”. Thực tế cho thấy, ở địa phương, chuyên gia am hiểu về công nghệ và thiết bị thuộc dự án còn khá ít ỏi, đó là chưa kể họ chỉ làm việc trên hồ sơ mà không đi khảo sát thực địa dẫn tới kết quả thẩm định thiếu chính xác. Nhiều báo cáo ĐTM đã bịa ra các con số để phục vụ cho dự án nhưng cơ quan thẩm định cũng không đủ năng lực, không đủ nhân lực để đo đạc hay kiểm tra lại số liệu. Vì thế, hầu hết chỉ phê duyệt con số trên báo cáo. “Một thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên, đến lúc kiểm tra báo cáo ĐTM chỉ có tên trên cùng là đúng, còn lại nội dung bên trong toàn là thủy điện Sơn La. Hình thức đến mức như thế mà hội đồng vẫn cho qua” - Ts Vũ Quang, ĐH Bách Khoa Hà Nội nói.

Hoạt động hậu thẩm định, hậu giám sát cũng là khâu quan trọng không thể thiếu song vẫn còn bỏ ngỏ ở nước ta, hiện nay mới chỉ có 10% các ĐTM được hậu thẩm định. Chính vì vậy mà các chuyên gia môi trường cho rằng, bên cạnh việc rà soát lỗ hổng của pháp luật, quy định những chế tài nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm nghĩa vụ từ việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện báo cáo ĐTM thì nâng cao nhận thức và đạo đức của cả quan trí và dân trí là điều cần thiết và không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.

Phó chủ nhiệm Ủy ban KH - CN và MT VÕ TUẤN NHÂN: Cần giám sát thường xuyên việc thực thi chính sách pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở một số nơi chỉ như một thủ tục. Nhiều báo cáo chưa đạt chất lượng, các loại số liệu về môi trường nền, các phương pháp đánh giá, dự báo khả năng chịu tải cũng như những tác động tiềm tàng của dự án đối với môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể, còn sử dụng nhiều phương pháp khác nhau chưa được kiểm chứng. Ngoài ra một số quy định về điều kiện trang thiết bị, trình độ nhân lực tối thiểu của đơn vị tư vấn còn có nhiều khoảng trống.

Báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của địa phương và một số tổ chức dịch vụ còn nhiều hạn chế. Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về trình độ chuyên môn của các cán bộ thẩm định. Ở cấp tỉnh, do hạn chế về kinh phí thẩm định và đội ngũ cán bộ thẩm định về ĐTM vẫn còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng về kiến thức khoa học môi trường nên công tác này chưa đạt hiệu quả. Mặt khác, quy định về thời gian thẩm định và phê duyệt quá ngắn nên công tác này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề nổi lên hiện nay là hậu kiểm ĐTM cần được tiến hành thường xuyên và quyết liệt để các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Muốn làm được điều đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác hậu kiểm định ĐTM và có chế tài xử phạt vi phạm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thực thi không tốt báo cáo đã được phê duyệt. Cơ quan dân cử cần thường xuyên giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về ĐTM, có kiến nghị cụ thể về nội dung này để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi ĐTM sau khi được phê duyệt phải được thực hiện nghiêm túc.

Ủy viên Thường trực Ủy ban KH - CN và MT TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH: Nhiều nơi thực hiện tham vấn ý kiến cộng đồng còn hình thức

Thẩm định và phê duyệt cho đến nay đang triển khai tích cực ở một số nơi, có những dự án lớn về môi trường rất thận trọng khi thực hiện công tác này. Thế nhưng, trên thực tế nhiều địa phương hiện nay còn nặng nề chuyện đầu tư và phát triển nên quan niệm nếu quan tâm nhiều tới ĐTM sẽ lỡ mất nguồn đầu tư. Suy cho cùng, lãnh đạo các địa phương phải quan tâm tới việc này thì công tác BVMT mới đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, khâu tham vấn ý kiến cộng đồng cũng chưa được quan tâm triệt để, đúng mức. Mặc dù Luật có quy định nhưng nhiều chủ dự án còn chưa chú trọng giai đoạn này vì muốn nhanh triển khai theo dự kiến, không muốn rườm rà. Nhiều nơi thực hiện công tác tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư về ĐMT còn hình thức, thực hiện nhanh chóng, thậm chí chỉ họp tổ dân phố, họp các lãnh đạo cấp thôn, xã là xong. Trong quá trình tham vấn, một số ý kiến của cộng đồng dân cư được phản ánh nhưng đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM và chủ đầu tư không ghi vào nội dung báo cáo. Đáng nói là các cơ quan hữu quan, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa coi trọng khâu này nên doanh nghiệp cũng dễ dàng bỏ qua.

ĐBQH BÙI THỊ AN (HÀ NỘI): Trách nhiệm của cơ quan thẩm định chưa được luật quy định rõ ràng

ĐTM có ý nghĩa vô cùng quan trọng là khâu đầu tiên, là điều kiện cần để xem xét dự án đó có thực thi được hay không. Trong giai đoạn vừa rồi hoạt động này đã được triển khai thực hiện nhưng làm rất hình thức, chỉ được xem như món đồ trang sức, giấy thông hành mà doanh nghiệp mặc vào khi thực hiện dự án. Điều đó cũng gây ra biết bao hậu quả cho những người sống xung quanh khu vực.

Không chỉ ở những dự án lớn, trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền mới cần thiết mà trách nhiệm này cần được đề cao ở mọi dự án song cho tới nay hoạt động này chưa được làm đến nơi, đến chốn. Dẫn tới tình trạng nhiều dự án đã khởi công xây dựng nhưng thực tế việc đánh giá chưa đạt hiệu quả, hậu họa cuối cùng là người dân chịu thiệt. Tôi nghĩ rằng nên quy định rõ ràng trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu của cơ quan, tổ chức thẩm định, dù có giao trách nhiệm cho ai thì người đứng đầu vẫn trách nhiệm nếu thẩm định không đạt chất lượng. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến thẩm định và phê duyệt báo cáo chưa đạt hiệu quả là do trách nhiệm của cơ quan thẩm định chưa được luật quy định rõ ràng, chi tiết.

Tôi cho rằng, không chỉ riêng vấn đề hậu thẩm định, hậu giám sát, hậu kiểm tra mới quan trọng mà hậu chịu trách nhiệm cũng cần được đề cao. Kể cả những người đã ký những dự án trước đây rồi mà có sự cố gì thì dù không công tác nữa vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không thể hạ cánh an toàn được.

Trang - Thúy thực hiện 

Đỗ Quyên