Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Cần những chỉ tiêu phản ánh về chất, đo đếm nguồn lực chính xác hơn

- Thứ Tư, 13/10/2021, 06:05 - Chia sẻ
Thực hiện Kết luận số 01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 3 vừa qua, Chính phủ đã rà soát, nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và trình tại Phiên họp thứ 4 này. Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án Luật này, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung những chỉ tiêu thống kê phản ánh về chất, bảo đảm đo đếm chính xác, tạo cơ sở xây dựng chính sách tiếp cận thực tế tốt hơn.
Nguồn: ITN

Phục vụ nhu cầu trước mắt

Trên cơ sở thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua nghiên cứu nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê và các luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành đề xuất cũng như thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đề nghị, chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay, bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành. Trong đó, nổi bật là bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Tuy nhiên, trên thực tế, dự án Luật chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 quy định về quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu GRDP. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh tên gọi, bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia vào Danh mục được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 3.

Trong hồ sơ dự án Luật được Chính phủ gửi sang Ủy ban Kinh tế, tên gọi được xác định là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia như đề xuất ban đầu. Tuy để tên gọi của dự án Luật là như vậy, song thực tế chỉ sửa đổi hai điều, khoản, cùng với bổ sung, hoàn thiện Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Nội dung của dự án Luật như vậy có phù hợp với tên gọi không? Những nội dung được Chính phủ đề xuất sửa đổi có phúc đáp đòi hỏi của thực tế, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình mới, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới không? Đây là những câu hỏi được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nêu ra tại Phiên họp.

Tiếp cận từ góc độ sửa đổi, bổ sung những nội dung để đáp ứng yêu cầu trước mắt trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bám sát nhiều quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, ấn tượng nhất là việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật, dù thời gian thực hiện xây dựng hồ sơ dự án Luật không nhiều.

Nhắc lại một tiền lệ tương tự trong công tác lập pháp của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên nêu rõ, trước đòi hỏi của thực tế thi hành Luật Đầu tư, thay vì như đề xuất ban đầu chỉ sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành nghề, Quốc hội Khóa XIV đã yêu cầu Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Chính phủ cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm từ tiền lệ sửa đổi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đề xuất về tên gọi, cũng như hoàn chỉnh một số nội dung tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Khi đo đếm các chủ thể của nền kinh tế mới có chính sách tốt

Ghi nhận Ban soạn thảo đã công phu, cầu thị tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, với một nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta phải cân nhắc việc không đưa các chỉ tiêu để đo đếm doanh nghiệp, hợp tác xã, hay hộ kinh doanh - những chủ thể có vai trò quan trọng của nền kinh tế - vào nhóm chỉ tiêu về doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Do hiện không đo đếm các chủ thể kinh tế quan trọng này đã khiến họ thường bị "bỏ ra ngoài" khi cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh? Ủy viên Thường trực Phạm Thị Hồng Yến đề nghị, việc bổ sung, hoàn thiện Nhóm chỉ tiêu thứ 3 trong Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phải nhất quán với các thuật ngữ được nêu ra trong nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm đo đếm đầy đủ các chủ thể kinh tế, giúp xây dựng chính sách tiếp cận với thực tiễn tốt hơn.

Một đòi hỏi khác được thành viên Ủy ban Kinh tế Phạm Văn Thịnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đưa ra là cần nghiên cứu, rà soát để bổ sung những chỉ tiêu phản ánh về "chất" nhiều hơn, không nên dừng ở quy mô, số lượng, vì nó chỉ giúp nhìn thấy "hình thù bên ngoài của một ngôi nhà". Lấy ví dụ ngay trong Nhóm chỉ tiêu thứ 2 về lao động, việc làm và bình đẳng giới, đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ rõ, cần có chỉ tiêu phân luồng đào tạo với học sinh tốt nghiệp THCS, vì khi có chỉ tiêu này, Chính phủ, các địa phương sẽ có chính sách để củng cố hệ thống trường nghề, hấp dẫn con em chúng ta đi học, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Những lợi ích của việc khuyến khích học nghề, trường nghề phát triển đã được tổng kết trên thế giới, chúng ta không cần sáng tạo hơn, chỉ đi theo xu thế hiện nay, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thông lệ thế giới và thực tế ở nước ta cho thấy, bên cạnh chỉ tiêu thống kê quốc gia còn có những chỉ tiêu thống kê của bộ ngành, địa phương. Khó có thể xây dựng, hoàn thiện một bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia dùng trong lâu dài. Điều 18 Luật Thống kê cũng quy định, căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn.

Với những lý do nêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sẽ dần hoàn thiện Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Với những chỉ tiêu thống kê quá khó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh về phương pháp luận, tính toán số liệu để chu kỳ điều chỉnh lần sau sẽ bổ sung vào Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Chia sẻ với việc khó có thể xây dựng một Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia dùng trong một thời gian dài, nhưng như nhận định của nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế, thì khi đời sống kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi trong thời gian qua, vẫn cần nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm đo đếm được nguồn lực của xã hội một cách chính xác hơn, đáp ứng đòi hỏi từ chính công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Thanh Hải