Gây nuôi động vật hoang dã

Cần quản lý nguồn gốc

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:39 - Chia sẻ
Mặc dù luật pháp trong nước cũng như quốc tế không cấm hoạt động nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã, kể cả các loài nguy cấp. Tuy nhiên, việc cho phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã ở góc độ nào đó đã vô hình chung tạo cơ sở cho hoạt động nhập lậu động vật hoang dã, dẫn đến khả năng đe dọa nghiêm trọng quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Hợp thức hóa... gây, nuôi động vật nhập lậu

Các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã có từ trước những năm 1980, trong đó có nhiều loài động vật quý, hiếm đã và đang được các tổ chức, cá nhân nuôi sinh sản phục vụ mục đích thương mại. Đến nay, gây nuôi thương mại động vật hoang dã khá phổ biến tại Việt Nam, với khoảng 18.000 cơ sở gây nuôi, trên 100 loài nhân nuôi trên cả nước. Một số loài được nuôi phổ biến như khỉ đuôi dài, cá sấu nước ngọt, trăn đất, trăn gấm, các loài rắn hổ mang thường, rắn hổ mang chúa, ba ba trơn, rùa răng, hươu sao… Đáng chú ý, một số loài được nuôi ở quy mô công nghiệp như 10 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt đã đăng ký quốc tế, năng lực sản xuất hằng năm gần đây đạt trên 120.000 cá thể, hàng trăm nghìn cơ sở nuôi trăn với năng lực sản xuất lên đến 200.000 cá thể/năm...

Hươu sao - một trong những động vật hoang dã được gây nuôi theo mục đích thương mại khá phổ biến

Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại đó là nhiều cơ sở gây nuôi không đáp ứng được những điều kiện cần thiết để đóng góp vào công tác bảo tồn động vật hoang dã trong tự nhiên. Ngược lại, việc cho phép gây nuôi thương mại động vật hoang dã đã góp phần tạo cơ sở cho hoạt động nhập lậu, dẫn đến khả năng đe dọa nghiêm trọng quần thể động vật hoang trong tự nhiên, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Chỉ rõ việc này, Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) Trịnh Lê Nguyên cho biết: Hiện nay, tình trạng nhập lậu động vật hoang dã vào các cơ sở chăn nuôi là khá phổ biến, thông qua việc bán giấy phép vận chuyển từ các trang trại chăn nuôi để lưu thông động vật hoang dã săn bắt từ tự nhiên. Điều này cho thấy hoạt động chăn nuôi không làm suy giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã ngoài tự nhiên mà còn đẩy các loài hoang dã vào nguy hiểm. Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi không bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng được ghi nhận khi các trang trại gây nuôi hỗn hợp các loài động vật hoang dã với điều kiện chăm sóc thú y rất kém và hầu như không biết về nguồn bệnh tiềm ẩn luôn đe dọa vật nuôi.

Cần kiểm soát, quản lý hữu hiệu

Việc quản lý động vật hoang dã nói chung, trong đó có hoạt động gây nuôi động vật hoang dã nói riêng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật  như Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Chăn nuôi 2018 và Luật Thủy sản 2017 và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản hướng dẫn. Các văn bản này đều có chế tài xử lý vi phạm từ hành chính đến hình sự các hoạt động săn bắt, tàng trữ, vận chuyển, nuôi nhốt…

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga cho biết: Dịch bệnh khởi phát từ động vật hoang dã rất nguy hiểm. Virus đã có hàng triệu năm tồn tại, chúng ký sinh với nguyên tắc sống trên cơ thể động vật hoang dã như chim, dơi... đặc biệt khi con người ngày càng sống gần với động vật hoang dã. Thực tế, các dịch bệnh lớn, nguy hiểm, lấy đi tính mạng của nhiều người như HIV, SARS, Ebola, MERS-CoV và đến nay là có thể Covid -19 đều bắt nguồn từ động vật hoang dã.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam - TS. Vương Tiến Mạnh nêu thực tế, quy định pháp luật hiện nay còn chồng chéo, cụ thể các quy định về quản lý nguồn gốc động vật trong vận chuyển, lưu thông chưa thực sự chặt chẽ. Từ đó nhiều đối tượng lấy làm cơ sở để vận chuyển, tiêu thụ lậu động vật hoang dã trong tự nhiên; một số loài bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên nhưng quần thể trong môi trường nuôi nhốt lại rất lớn. Do vậy, tác động của hoạt động gây nuôi thương mại nếu không được quản lý tốt sẽ gây suy thoái nguồn gen do bị lai tạp; hoạt động gây nuôi dễ có khả năng lây nhiễm bệnh cho con người và vật nuôi khác…

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thanh Nga, Tổ chức bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), nghiên cứu mới nhất của WCS cho thấy, tại các trang trại động vật hoang dã ở Bắc Giang, Đồng Nai và Đồng Tháp, đã phát hiện virus corona có nguồn gốc từ dơi trên nhím, dúi và chuột đồng. Kết quả nghiên cứu trên các loài gặm nhấm cũng chỉ ra nguy cơ lây lan virus corona tới những loài khác (cầy, tê tê) được nuôi tại trang trại. Do đó, việc tiêu thụ động vật hoang dã làm thực phẩm gây gia tăng nguy cơ truyền virus corona sang người.

Để giải quyết các khó khăn trong quản lý nuôi động vật hoang dã nói chung, ngăn chặn nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ việc gây nuôi dịch bệnh hoang dã, các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Từ các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động, nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người; đến tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật để kiểm soát việc gây nuôi động vật hoang dã trái phép và không bền vững, trong đó gồm đào tạo về nội dung của các nghị định liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần có sự rõ ràng trong phân công trách nhiệm thực hiện hiệu quả công tác nay trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi động vật hoang dã trên cả nước, minh bạch hóa thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để hạn chế việc lưu thông động vật hoang dã săn bắt ngoài tự nhiên.

Bài và ảnh: Bảo Hân