Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Cần quan tâm hơn tới bảo hiểm nông nghiệp

- Thứ Hai, 25/10/2021, 15:02 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp sáng 25.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh), dự thảo Luật cần làm rõ hơn về các khái niệm: "bảo hiểm sinh kỳ”, "bảo hiểm tử kỳ”, "bảo hiểm vi mô”... bảo đảm dễ hiểu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân loại, phân nhóm bảo hiểm rõ ràng hơn thay vì quy định quá chi tiết vì không thể liệt kê hết được. Bên cạnh đó, từ góc độ nhà nước, lĩnh vực bảo hiểm là nguồn lực rất tốt cho việc tái đầu tư. Do vậy, cần có quy định thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm.

	DBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương)
Ảnh: Hồ Long

Có cùng quan điểm trên, ĐBQH Lê Văn Khảm (Bình Dương) cũng nêu một số đề xuất liên quan đến bảo hiểm vi mô. Ông cho rằng, khái niệm được đưa ra trong dự thảo Luật không rõ, chưa hình dung được sản phẩm của bảo hiểm vi mô là gì và được thực hiện như thế nào, do ai thực hiện. Đối tượng hiện tại trong dự thảo Luật chỉ là nhóm có thu nhập thấp, điều này sẽ loại trừ đối tượng thu nhập khá và làm mất đi một cơ hội để tăng sự bền vững của quỹ bảo hiểm. Đại biểu đề nghị phải rõ ràng về khái niệm vì từ các khái niệm này sẽ "định dạng" toàn bộ các nội dung quy định chi tiết trong dự thảo Luật cũng như việc triển khai thực hiện sau này. 

UBKT Vu Hong Thanh chu tri Tổ 7 ( Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre
 Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre thảo luận tại tổ
Ảnh; Quang Khánh

Đối với việc bảo đảm quyền của bên mua bảo hiểm, đại biểu đề nghị phải thể hiện rất rõ trong hợp đồng bảo hiểm, không thể quy chiếu thực hiện theo hợp đồng dân sự vì có vô vàn khái niệm và các nội dung chi tiết thuộc các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật hiện vẫn chưa cụ thể và thiếu nguyên tắc xác định. Hợp đồng yêu cầu người tham gia bảo hiểm phải đọc kỹ các điều khoản nhưng hiểu như thế nào lại rất quan trọng. Bản chất của hợp đồng cũng là thỏa thuận giữa các bên nhưng thực tiễn là bên kinh doanh bảo hiểm soạn sẵn và người mua bảo hiểm không được trao đổi, bổ sung gì thêm. Do đó, dù hợp đồng không thể quy định chi tiết được nhưng nguyên tắc để bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm phải rõ ràng trong từng lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt, cần quy định rõ ai sẽ là người tham gia vào quá trình bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Họp tổ đoàn Hà Nội
Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ 
Ảnh; Quang Khánh

Đồng tình với việc phải bảo vệ người tham gia mua, đóng bảo hiểm, ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho biết, bản chất của bảo hiểm là "luật chơi" của bên cung cấp dịch vụ nên phải có những quy định khi xảy ra xung đột thì ai sẽ xử lý và xử lý theo quy định nào… Phải quản lý chặt chẽ doanh nghiệp bảo hiểm, giống như các doanh nghiệp kinh doanh tài chính, khi xảy ra phá sản hoặc dừng hoạt động thì quyền lợi của người mua sẽ như thế nào phải được quy định rõ...

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) phát biểu tại tổ 
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị cần quan tâm hơn tới chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đại biểu nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách để tập trung phát triển. Tuy nhiên, qua giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều vướng mắc khiến năng suất lao động ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như cao, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, ở góc độ bảo hiểm, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, nhất là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... 

Quang Khánh