Thảo luận trực tuyến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Cần quan tâm tới cơ cấu nông nghiệp

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 13:36 - Chia sẻ
Sáng 30.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Giải quyết những vấn đề mang tính trụ cột, dẫn dắt phát triển an sinh xã hội

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn này đi vào thực chất, hiệu quả hơn. ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, đối diện với sự tàn phá của dịch Covid - 19, thời gian qua, nước ta không chỉ trải qua những khó khăn “kép” mà còn đa chiều, với những tác động qua lại, làm cho khó khăn chồng chất khó khăn, vướng mắc chồng vướng mắc. Nếu xét về quy mô, mức độ khó lường, phức tạp trong giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc lựa chọn ưu tiên sức khỏe, sinh mạng, chấp nhận hy sinh kinh tế, cân đối giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa an toàn với hiệu quả có thể nói là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Không dừng lại ở đó, những diễn biến khó lường của dịch bệnh chắc chắn còn gây nhiều khó khăn, thách thức cho nước ta trong thời gian tới rất cần được quan tâm tháo gỡ trong Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Trước những phân tích trên, ĐBQH Lê Minh Nam cho rằng, trong bối cảnh khó khăn toàn diện, nguồn lực có hạn, cần tập trung ưu tiên phân bổ, giải quyết những vấn đề mang tính trụ cột, dẫn dắt phát triển an sinh xã hội, những vấn đề ít cấp thiết xem xét lựa chọn sau. Quan điểm lựa chọn ưu tiên cần có sự đồng thuận, chia sẻ của cả hệ thống chính trị và người dân để đồng lòng, thực hiện hiệu quả. Trong việc áp dụng chính sách tiền tệ cần hoạch định, bảo đảm mục tiêu tổng thể dài hạn, nhưng vẫn linh hoạt trong ngắn hạn, bảo đảm khả năng hấp thụ chính sách trong thực tế.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu

Dành sự quan tâm về hiệu quả đầu tư công trong định hướng phát triển kinh tế vùng, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương, thế nhưng thời gian qua vẫn tồn tại mỗi tỉnh, thành nào cũng muốn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư còn dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn tới nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả, vì địa phương muốn làm được nhiều thứ - Đây là câu chuyện đã cũ, từ thời tự cung, tự cấp. Muốn hướng tới thị trường hàng hóa cạnh tranh thế giới thì phải suy nghĩ làm như thế nào để nâng cao hiệu quả. Nếu biết làm như thế nào thì từ sản xuất ốc vít hay sản xuất ô tô thì chúng ta đều có thể đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Chúng ta cũng đã chứng kiến Israel dù điều kiện tự nhiên khó khăn, nhưng luôn có sản phẩm đạt chất lượng cao. Chúng ta thúc đẩy khoa học công nghệ thông tin nhưng đang bị lỗi từ suy nghĩ làm cái gì sang làm như thế nào. Do vậy, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, cần tác động vào tư duy của từng người dân, doanh nghiệp, địa phương phải làm như thế nào, làm giá trị tăng bao nhiêu, chứ không phải làm cái gì, làm số lượng bao nhiêu.

Việc các địa phương đầu tư giống nhau sẽ giống như các đầu nam châm cùng cực không thể hút nhau, để đẩy nhanh liên kết vùng giữa các địa phương, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng, mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng. Ví dụ trong vùng địa phương có lợi thế về sân bay, có liên kết với các địa phương khác ưu tiên sử dụng sân bay thì cần có chính sách ưu tiên đầu tư giao thông kết nối nhanh các địa phương đến sân bay. Địa phương nào đầu tư khu chế biến, sản xuất tăng giá trị cao thì phải đầu tư giao thông liên kết với vùng nguyên liệu đến địa phương sản xuất. Từ đó, tạo tiền đề các địa phương phối hợp với nhau trên các lĩnh vực có lợi thế so sánh, không đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực của trung ương. Theo đó, khoản 3, Điều 4 trong dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế cần sửa đổi cụm từ tăng cường liên kết vùng thành chính sách ưu tiên đầu công cho liên kết vùng.

Ảnh: Lâm Hiển

Sửa đổi mô hình hợp tác xã - khâu yếu trong tái cơ cấu nông nghiệp

Cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một vấn đề đặt ra là thị trường lao động trong tái cơ cấu nền kinh tế. ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu rõ, chúng ta thấy gì, nghĩ gì về dòng người trốn chạy về quê tránh dịch. Phải chăng, cơ cấu kinh tế còn bất cập, phát triển đô thị tập trung, thiếu liên kết, sự trục trặc trong kết nối giữa nông thôn và đô thị, chất lượng đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý. Đây là những vấn đề cần quan tâm làm rõ, dòng người đó là ai, phần lớn là nông dân rút khỏi lao động nông nghiệp trở thành công nhân, lao động tự do, thiếu việc làm tha hương cầu thực.

ĐB Trần Văn Sáu đề nghị cần có đánh giá đúng về thị trường lao động, có chính sách đầu tư hợp lý phát triển kinh tế vùng, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân lực lượng dễ bị tổn thương trong điều kiện kinh tế thị trường. Tất nhiên lao động việc làm không thể chia đều cho thị trường nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, rất cần quan tâm tới cơ cấu nông nghiệp, khi mà nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Cơ cấu lại nền nông nghiệp thì sửa đổi nhận thức của nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp mới là điều kiện cần, tiên quyết là phải thay đổi nhận thức của người nông dân, nông dân ta có tính cần cù, thông minh, sáng tạo, hào sảng, câu được con cá, trồng được mớ rau, khi xảy ra dịch bệnh, bà con khó khăn lấy cho hết mà không cần tính toán. Nhưng khi làm ăn thì mạnh ai người nấy làm, giấu nghề, không chịu liên kết. Cho nên sắp xếp lại sản xuất, chế biến tiêu thụ cần liên kết với người nông dân, tuyên truyền vận động, hướng dẫn từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân. Mô hình liên kết tốt nhất là hợp tác xã nhưng đây là mô hình yếu nhất hiện nay, cần phải được nghiên cứu, sửa đổi để thực hiện cho phù hợp. ĐB Trần Văn Sáu nhấn mạnh “trong làm nông nghiệp, sản xuất lớn đâu phải cứ cần nhiều ruộng đất, chỉ cần liên kết mềm, liên kết người nông dân trong hợp tác xã, hợp tác xã liên kết với nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp là chúng ta có thể giải được bài toán khó: cơ cấu lại nền nông nghiệp”.

Hoàng Ngọc