Tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa trong dịch bệnh:

Cần quy chuẩn áp dụng toàn quốc

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:43 - Chia sẻ
Nhiều địa phương vẫn áp dụng cứng nhắc các biện pháp phòng dịch đối với lưu thông hàng hóa đường bộ, gây khó khăn, lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đưa ra một quy chuẩn áp dụng chung trên cả nước.

Doanh nghiệp phải "cõng" thêm chi phí lớn

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta chia sẻ, nửa số xe của công ty hiện phải nằm bãi. Toàn bộ doanh thu tuyến vận tải khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang gần như không còn. Nhưng ngay cả khi có đơn hàng vận chuyển qua một số địa phương có dịch thì doanh nghiệp cũng không dám nhận. Bởi lẽ, một số địa phương vẫn yêu cầu lái xe khi chở hàng về từ vùng dịch phải cách ly 21 ngày.

"Doanh nghiệp không thể có đủ lái xe khi chỉ chạy một chuyến rồi sau đó đi cách ly 21 ngày. Chúng tôi phải từ chối các đơn hàng chạy tuyến qua vùng dịch, chuyển sang tuyến khác hiệu quả hơn", ông Nghĩa nói.

Tương tự, một doanh nghiệp dịch vụ hậu cần tại Hải Phòng cũng cho hay, hiện nay Hải Phòng yêu cầu lái xe khi quay về từ tỉnh có dịch phải cách ly 21 ngày. Với quy định này không một lái xe hay doanh nghiệp nào muốn vào tỉnh có dịch, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị đình trệ.

Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng mỗi địa phương áp dụng một kiểu trong việc chấp nhận hay không chấp nhận kết quả test nhanh đối với lái xe. Thậm chí, ngay trong cùng một tỉnh cũng chưa thống nhất giữa các chốt. Có những chốt chấp nhận kết quả test nhanh nhưng có chốt lại yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, buộc xe phải quay đầu. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và hàng hóa khó lưu thông.

Ông Nghĩa cho hay, test nhanh có kết quả ngay sau 2 - 3 tiếng với chi phí rẻ từ 230.000 - 250.000 đồng. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR phải trả 750.000 - 900.000 đồng một lần và xét nghiệm chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày nhưng phải mất 2 ngày để chờ kết quả nên hôm sau đã hết hạn. Gần như mỗi lần ra vào địa phương đều phải xét nghiệm làm phát sinh chi phí quá lớn cho doanh nghiệp. Công ty TNHH Quốc tế Delta có gần 150 lái xe, từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 bùng phát đã phải chi vài trăm triệu đồng cho việc xét nghiệm.

Theo các doanh nghiệp, những quy định này khiến chi phí bị đội lên nhiều lần nên doanh nghiệp vận tải không có lãi. Việc duy trì hoạt động hiện nay chỉ để hỗ trợ đối tác giải phóng hàng. Doanh nghiệp phải đổi phương thức hoạt động, giãn các chuyến xe để không phát sinh nhiều chi phí.

Có nhất thiết cách ly 21 ngày?

Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân doanh nghiệp đã phải ưu tiên phòng, chống dịch và duy trì sản xuất - kinh doanh dựa trên yếu tố bảo đảm an toàn phòng dịch trước bởi nếu bị mắc Covid-19 doanh nghiệp sẽ khổ trước. Vì vậy, các quy định phòng, chống Covid-19 là cần thiết nhưng không nên quá cứng nhắc khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí lãng phí nguồn lực.

Để tạo thuận lợi hơn trong lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp kiến nghị, các địa phương cần có sự đồng bộ trong hướng dẫn và triển khai các biện pháp trong phòng chống dịch. Cụ thể, thống nhất cách xét nghiệm giữa các tỉnh, thành phố và giữa các chốt, trạm kiểm soát trong cùng một tỉnh; đồng ý cho sử dụng kết quả test nhanh; yêu cầu thực hiện đồng thời các biện pháp như lái xe phải thực hiện 5K, chỉ ngồi trong cabin khi đến vùng dịch, lái xe mặc đồ phòng hộ, khai báo lịch trình rõ ràng...

Đối với quy định cách ly 21 ngày đối với tài xế đến từ vùng dịch, là người trực tiếp lái xe vận tải hàng hóa, ông Hoàng Quốc Nhất (tỉnh An Giang) cho biết, người lái xe trước khi đến vùng dịch đều đã được xét nghiệm. Trong quá trình vận chuyển yêu cầu lái xe không xuống xe và được trang bị đầy đủ bảo hộ. Vì vậy, khi trở về từ vùng dịch không nên bắt buộc họ phải cách ly mà chỉ cần yêu cầu theo dõi tại nhà trong 2 - 3 ngày, đồng thời xét nghiệm lại Covid-19. “Nếu không gỡ vướng mắc này, tài xế về sẽ trốn khai báo ở địa phương và lén lên xe khi đổi tài xế thì nguy cơ đem dịch về địa phương rất cao”, ông Nhất nói.

Theo các chuyên gia, hiện nay còn nhiều địa phương không linh động, cách hiểu quy định cũng khác nhau. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra một quy chuẩn về phòng, chống dịch trong lưu thông hàng hóa trong vận tải đường bộ và áp dụng cho toàn quốc. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp, thống nhất và triển khai thông suốt quy trình nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

An Thiện