Xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy

Cần quy định cụ thể

- Thứ Năm, 22/10/2020, 07:08 - Chia sẻ
Từ những năm 2000, công tác xã hội hóa cai nghiện ma túy đã được Nhà nước quan tâm, rất nhiều chính sách, ưu đãi được ban hành. Tuy nhiên, do những quy định vẫn mang tính khái quát, chung chung nên đến nay xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy dường như vẫn tồn tại trên giấy.

Chỉ 23 doanh nghiệp… “nhập cuộc”

Năm 2000, Luật Phòng, chống ma túy được ban hành và có hiệu lực từ năm 2001 đã có những quy định khuyến khích sự tham gia xã hội hóa công tác cai nghiện. Đặc biệt năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2003/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo đó, những tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào công tác cai nghiện ma túy sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, đất. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác cai nghiện ma túy, góp phần giảm áp lực cho Nhà nước.

Nguồn: ITN

Tuy nhiên, đến nay sau gần 20 năm triển khai, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước mới chỉ có 23 doanh nghiệp hoạt động. Các cơ sở này đã tổ chức cai nghiện cho trên 43.000 lượt người, góp phần giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí lập hồ sơ và đưa vào cai nghiện bắt buộc. Song, hiện nay người cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện không được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở cai nghiện công lập. Chính vì thế, tính đến cuối tháng 5.2020, chỉ còn 16 cơ sở cai nghiện tự nguyện hoạt động với 746 người đang cai nghiện.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện nhiều địa phương cho rằng, chủ trương xã hội hóa rất khó triển khai trên thực tế dù Luật, Nghị định đều đã quy định. Bởi, những quy định này mới chỉ dừng lại ở chủ trương, khuyến khích chưa biến thành cơ hội hoặc tăng nguồn lực cho doanh nghiệp. Hơn nữa, ở không ít các địa phương công tác cai nghiện ma túy vẫn chưa được coi trọng nên chưa có những chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Thúc đẩy xã hội hoá

Trước những bất cập này, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi đã bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, dưới hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa người nghiện với các cơ sở này. Cụ thể, Dự thảo đã bổ sung thêm chính sách ưu tiên cho xã hội hoá công tác cai nghiện. Với đề xuất này, Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá về công tác cai nghiện, nhất là chủ trương xã hội hóa công tác cai  nghiện.

Đánh giá về công tác cai nghiện, báo cáo của Bộ Công an khẳng định, việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình là giải pháp hiệu quả giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, góp phần giảm tải, chi phí gánh nặng cho Nhà nước về cai nghiện tập trung.

Theo các chuyên gia, để thu hút xã hội hóa công tác cai nghiện, Dự thảo Luật cần mở rộng quyền cho các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng các quyết sách liên quan và cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng, can thiệp giảm hại, can thiệp phục hồi, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng. Song song với việc tạo cơ chế, chính sách cụ thể để động viên mọi nguồn lực xã hội, Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm về những phân khúc quan trọng, đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất, đặc biệt phải quản lý được chất lượng dịch vụ.

 Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Hoàng Trang, Đoàn Luật sư Hà Nội, Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành. Theo đó, việc tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội, các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư. Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ trên cơ sở các cơ quan y tế, xã hội sẵn có của địa phương, đáp ứng nhu cầu cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của địa phương.

Như vậy, có thể thấy việc xã hội hóa thu hút doanh nghiệp tham gia vào công tác cai nghiện rất được nhà nước quan tâm. Song, nếu không có những hướng dẫn cụ thể thì những chủ trương này rất khó thực hiện. Bởi, thực tế quy định này không phải là mới đã được quy định tại Luật Phòng chống ma túy trước đó. Chính vì vậy, cần phải có những hướng dẫn cụ thể về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, đặc biệt phải coi việc thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực này là trách nhiệm của các địa phương. Có như vậy việc xã hội hóa công tác cai nghiện mới triển khai có hiệu quả như kỳ vọng.

Thái Yến