Nhịp cầu

Cần sự cam kết của người được nhận hỗ trợ

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 09:03 - Chia sẻ
Qua khảo sát thực tế tại cơ sở, nghe ý kiến của hộ gia đình thụ hưởng chính sách, trao đổi thảo luận và nghiên cứu các tài liệu liên quan, Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhận thấy: Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện đúng nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định. 3 năm qua, việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được lồng ghép với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khác, gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Một số mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi nhận thức của người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Theo báo cáo của UBND các huyện tại buổi giám sát, từ năm 2018 đến nay, đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nông cụ, giống vật nuôi, cây điều giống… Cụ thể: Huyện Lộc Ninh đã hỗ trợ 1.135 lượt hộ; huyện Bù Đăng đã hỗ trợ cho 527 hộ; huyện Bù Đốp hỗ trợ cho khoảng 882 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số hưởng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 27,3 tỷ đồng... Các mô hình hỗ trợ tại các địa phương bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân như: Mô hình trồng sầu riêng tại xã Đường 10; mô hình thâm canh, cải tạo vườn điều bằng phương pháp ghép tán, mô hình trồng cây rau nhíp dưới tán điều tại tại khu Bảo tồn dân tộc X'tiêng sóc Bom Bo, mô hình nuôi gà Ai cập (Fayoumi) lấy trứng tại các xã Bom Bo, Bình Minh và thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng. Mô hình nuôi bò giống tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Mô hình hỗ trợ bò Laisind sinh sản, nuôi dê bách thảo tại các xã của huyện Bù Đốp…

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trên thực tế việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn hạn chế như: Công tác tham mưu, phối hợp của các ngành liên quan chưa chủ động, quy trình xét chọn chưa chặt chẽ. Một số chương trình, chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS còn chậm và kéo dài. Việc thực hiện giảm nghèo cho hộ đồng bào DTTS chưa được bền vững. Một bộ phận đồng bào DTTS thiếu ý thức tự lực, phấn đấu vươn lên trong sản xuất và đời sống, còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng…

Thực tế trên đặt ra yêu cầu quá trình xét, lựa chọn đối tượng hỗ trợ cần phải quan tâm hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng; đồng thời phải có định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm tính kịp thời vụ, thời điểm triển khai, quan tâm đến đầu ra sản phẩm cho người dân để phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cần thiết phải có sự cam kết của người được nhận hỗ trợ; cùng với đó, ngành chức năng chú trọng kiểm tra việc sử dụng để phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS.

LÊ PHƯỚC