Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo:

Cần sự dấn thân của mỗi người và hỗ trợ của cộng đồng

- Thứ Tư, 15/11/2017, 17:23 - Chia sẻ
Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 (Techfest 2017) vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: "Làm Startup cần cả sự dấn thân của mỗi người và sự hỗ trợ của cộng đồng, Chính phủ, và mọi người. Hãy dũng cảm, đặc biệt sáng tạo trong khởi nghiệp và đừng lo lắng ý tưởng của mình lạc lõng hay sẽ thất bại bởi không làm sẽ không có thành công. Và không ai thành công mà không có thất bại”.
Duy trì ngọn lửa khởi nghiệp

Vài năm trở lại đây, cộng đồng khởi nghiệp chứng kiến sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam. Thống kê sơ bộ của Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN), Bộ KH-CN cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), 40 quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup đang hoạt động, 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 30 khu làm việc chung. Sự lớn mạnh này được giới chuyên môn cho rằng đó là nhờ việc xây dựng hành lang pháp lý ở Việt Nam trong 2 năm gần đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành.

Chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley Thạch Lê Anh đánh giá: Những năm vừa qua, cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam hoạt động rất sôi nổi. Thông qua Techfest, các nhà đầu tư, các quỹ kỳ vọng sẽ xây dựng được môi trường về đầu tư mạo hiểm và thị trường về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp. Đặc biệt, sau 1 năm diễn ra Techfest 2016, đã có hơn 900 dự án Start-up được ươm tạo với 300 sản phẩm đã kết nối đến với cộng đồng và quỹ đầu tư. Đáng chú ý đã 5 thương vụ Start-up gọi vốn thành công với tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD như: Momo – 28 triệu USD, F88 – 10 triệu USD, Got It! - hơn 9 triệu, Vntrip.vn – 3 triệu USD...

Ghi nhận những kết quả tích cực bước đầu của phong trào Startup, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) Startup cần cụ thể và nhanh hơn nữa. Bởi điểm lại thì có những việc được thực hiện rất tốt nhưng nhiều việc mới chỉ ở bước ban đầu. Ví dụ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mới đề cập đến quỹ đầu tư mạo hiểm. Hay việc thay đổi chính sách thuế cho DN Startup, khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ mới đang ở mức đưa ra ý tưởng chuẩn bị.

“Làm sao để Startup không phải là phong trào trong một lúc mà liên tục, dài hơi, bền vững. Đi một mình có thể đi nhanh nhưng đi xa thì phải đi cùng nhau. Chúng ta cần cộng đồng Startup, cộng đồng các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu lớn mạnh hơn nữa. Chúng ta không chỉ đạt mục tiêu có thêm 2.000 DN Startup trong 2 năm tới mà nên xác định sẽ về đích trước bao lâu, từ đó đề ra những việc cụ thể làm cho được và sớm nhất”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng khẳng định để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", đi theo quỹ đạo của các nền kinh tế phát triển không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh phong trào Start-up ở Việt Nam bằng những cách làm rất mới, rất sáng tạo. Và với vai trò kiến tạo, Chính phủ, các bộ ngành không chỉ tạo ra những khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tài chính thuận lợi mà đã có những đề án hỗ trợ cộng đồng Startup cụ thể nhất có thể.


 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thăm quan gian hàng triển lãm tại Techfest 2017 (Nguồn IT)
Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư

Đến nay, Việt Nam đã có trên 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động (tăng 30% so với năm 2016), 24 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Trong năm qua có thêm khoảng 1.000 DN Startup được thành lập so với con số 1.800 DN của cả giai đoạn trước đó. Để các dự án khởi nghiệp thành công, theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, sau khi gọi vốn và đi vào hoạt động, các Startup phải đưa ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và có doanh thu tốt. Như thế mới gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Nếu không làm được điều đó, sẽ không có nguồn lực tăng thêm và không phát triển được. Thực tế chúng ta đã thấy có những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu USD cho startup hoàn thiện ý tưởng vì họ nhìn thấy rõ ràng tương lai sản phẩm sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Mặt khác, có chuyên gia lo ngại, các startup vẫn gọi được vốn nhưng nếu 2 năm tới số lượng startup thành công không đạt đến được 1% thì sau 2 năm sẽ không còn ai đầu tư nữa.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để chiếm lĩnh thị trường thành công, các startup phải có cả kiến thức và kỹ năng. Thực tế thời gian qua, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thường xuyên cung cấp thông tin trên cả hai phương diện này để hỗ trợ các startup chứ không phải họ hoạt động tự phát. Mặt khác, các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò quan trọng. Do đó, vừa qua, Bộ KH-CN cùng các đơn vị đã đưa nội Quỹ Đầu tư mạo hiểm quốc gia vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại điều 18 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời xây dựng nội dung hướng dẫn thành lập, quản lý và hoạt động của quỹ này để những người làm khởi nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận. Hiện nay cơ chế về quỹ đầu tư mạo hiểm đang được đưa vào xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

"Với các quy định cởi mở này, tôi tin là trong thời gian tới, chúng ta sẽ thu hút được nguồn vốn, tạo ra sự đầu tư từ xã hội nhiều hơn để hỗ trợ các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Tới đây, nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa được vào Việt Nam dễ dàng. Khi thoái vốn, nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài chỉ cần làm theo đúng quy định sẽ được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn một cách minh bạch, đóng thuế đầy đủ ở Việt Nam. Hi vọng, các startup có thể ở trong nước để thu hút vốn. Việc sớm hình thành quỹ sẽ giúp ngăn chặn làn sóng chạy ra nước ngoài của các startup Việt Nam," Thứ trưởng Trần Văn Tùng tin tưởng.

Lan Chi