Kiểm soát đốt sinh khối từ phế thải nông nghiệp

Cần sự đồng thuận

- Thứ Năm, 07/12/2017, 08:51 - Chia sẻ
Trung bình mỗi năm cả nước thải ra 34 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp. 70% trong số đó có thể thành tài nguyên cho sản xuất và đời sống nếu được tái chế, song thực tế chất thải nông nghiệp ít được sử dụng mà thường bị đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường…

Nhiều chất ô nhiễm hữu cơ

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường: Các hoạt động đốt hở có thể là nguyên nhân hình thành các khu vực ô nhiễm tồn lưu dioxin. Nếu hoạt động đốt tại một khu vực nào đó được tiến hành thường xuyên, liên tục mà không được xử lý, lâu ngày sẽ thẩm thấu trong đất, nước, không khí.

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, mỗi năm cả nước thải ra 34 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp. 70% trong số đó có thể thành tài nguyên cho sản xuất và đời sống nếu được tái chế sử dụng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do đời sống phát triển, sử dụng nhiều máy móc, chất thải nông nghiệp ít được sử dụng mà thường bị đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí và sức khỏe của người dân. Cụ thể, tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, việc đốt sinh khối - rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, vào mỗi mùa thu hoạch, cũng như chất thải sinh hoạt, đốt ngoài trời tại làng nghề và các khu vực nông thôn chưa được kiểm soát tốt... nên nhiều khu vực đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí, đất.

 Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường Nguyễn Việt Dũng cho rằng: Hành động đốt ngoài trời này không những gây ra những hậu quả trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường như dioxin/furan và các chất POP (các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy) mới. Các chất này có thể gây ung thư, giảm khả năng sinh sản, phá hủy hệ miễn dịch, phá hủy hệ thần kinh trung ương, tổn thương gen…Và thực tế, 28 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) có trong nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Nhiều chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy chưa có quy định quản lý, nhiều khu vực ô nhiễm cần phải xử lý.


Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học để kiểm soát ô nhiễm môi trường tại xã Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội

Nhân rộng mô hình tận dụng sinh khối

Thạc sĩ Nguyễn Trung Thuận, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cho  biết: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) vào năm 2002 và trở thành quốc gia thành viên thứ 14 của Công ước. Ngày 10.8.2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 184/2006 về phê chuẩn Kế hoạch Quốc gia thực hiện Công ước này. Cụ thể kế hoạch này, trong thời gian qua để kiểm soát ô nhiễm môi trường do đốt sinh khối- phế phẩm từ nông nghiệp gây ra, Tổng cục Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều kế hoạch, Chương trình, có nhiều mô hình cộng đồng tối ưu hóa trong nông nghiệp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng phân hủy sinh khối tại ruộng; sử dụng một số hóa chất sinh học tăng khả năng phân hủy của sinh khối. Đơn cử, một số tỉnh như Bắc Giang trong thời gian qua đã phối hợp hướng dẫn bà con ủ phế phẩm cộng với một số hóa chất sinh học tăng khả năng phân hủy của sinh khối; tận dụng vỏ trấu, rơm làm chất đốt như than nén để thay thế than củi; sản xuất giấy từ mùn cưa. Tại Giao Thủy, Nam Định cũng có những mô hình tối ưu hóa trong nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các hóa chất bảo vệ thực vật  bằng cách tạo sinh khối phân hủy ủ phân tại ruộng… Ngoài ra còn có một số giải pháp thay thế cho đốt sinh khối bằng công nghệ khí hóa, sinh học, vi sinh, kỹ thuật mỹ nghệ, sấy khô… cũng được thực hiện tại một số địa phương như Thái Nguyên, Phú Thọ…

Tuy nhiên, hiện chỉ có một số ít phế phẩm từ rơm, rạ, mùn cưa được tận dụng, còn lại, tại hầu hết các địa phương, giải pháp để giải quyết rác, phế phẩm từ nông nghiệp… vẫn là đốt hở. Theo GS. TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Đại học Bách khoa Hà Nội: đốt hở không thể kiểm soát được quy trình và các chất phát tán gây ô nhiễm. Trong đó, bụi mịn đang là một trong sáu yếu tố gây ô nhiễm không khí và được xem là yếu tố gây ô nhiễm trầm trọng nhất ở các nước đang phát triển. Tìm kiếm các phương pháp tận dụng rác sinh khối theo cách an toàn, thân thiện với môi trường sẽ làm giảm khối lượng phải đem đốt. Do vậy, cần nhân rộng những mô hình tận dụng sinh khối hiệu quả.

Từ thực tiễn áp dụng sinh khối trong mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín không rác thải, Tiến sĩ Đào Đức Liêm, Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững chia sẻ: Những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín không rác thải từ con giun quế với vòng tròn khép kín (chuồng giun đơn giản cho người nghèo, vòng tròn chuối để ủ phân, sử dụng đệm lót sinh học từ trấu, mùn cưa, nuôi gà đồi, ngan vịt từ thức ăn hữu cơ giun quế, phân bón mùn giun để trồng rau hữu cơ,) được thực hiện tại Phú Thọ và Thái Nguyên vừa qua của Trung tâm không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế tức thì cho người nông dân (có trường hợp chỉ phải bỏ vốn ban đầu 80 ngàn đồng, sau một thời gian ngắn đã cho thu nhập 18 triệu/tháng), mà còn góp phần tích cực trong việc giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm môi trường (giảm được đáng kể số lần sử dụng và số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, tận dụng tối đa và hạn chế xả rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường)… Tuy vậy, mô hình chỉ được người dân áp dụng nếu đem lại hiệu quả tức thì và lâu dài, nếu không sẽ rất khó áp dụng. Chúng ta phải nghiêm túc đánh giá tính hiệu quả của các mô hình, từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tham gia mô hình “tận dụng sinh khối” trong sản xuất nông nghiệp có lợi ích như thế nào về kinh tế và môi trường… Nếu có sự đồng thuận từ chính quyền, và người dân thì các mô hình mới được chia sẻ và triển khai có hiệu quả, bền vững - Tiến sĩ Đào Đức Liêm đề xuất.

Bảo Hân