Cần sự thống nhất

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 06:17 - Chia sẻ

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương quy định bắt buộc người dân ở nơi khác phải có giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 mới được vào địa phương mình. Vô hình trung giấy xét nghiệm này đã trở thành “giấy thông hành” bất đắc dĩ.

Ở đợt bùng phát dịch thứ tư này, Covid-19 trở nên phức tạp, nguy hiểm hơn. Dịch đã lây lan trên diện rộng với nhiều tỉnh, thành phố. Những ngày gần đây, mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn một nghìn ca nhiễm mới. Dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch, 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tính trong quý II.2021, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với quý trước. Những con số này cho thấy, nếu như dịch không được kiểm soát và khống chế, thiệt hại về kinh tế rất khó lường. Lo ngại dịch lây lan, việc địa phương đưa ra quy định về giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 cũng là điều dễ hiểu.

Mục đích của “giấy thông hành” này nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình, không để dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bắt buộc mọi người dân ra vào địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính là không cần thiết, gây tốn kém. Quy định này chỉ nên áp dụng đối với người dân đến từ vùng có dịch, là các địa điểm được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Trên thực tế, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính chỉ chứng nhận tại thời điểm lấy mẫu. Trường hợp F0 xảy ra ở điểm thi ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nếu lấy mẫu quá sớm có thể sẽ không phát hiện ra. Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ có thể chứng nhận một người có hoặc không nhiễm virus tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm. Giấy xét nghiệm này không có giá trị lâu dài, cũng không bảo đảm người này không bị nhiễm trong tương lai. Sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường và trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Trong khi đó, việc thực hiện áp dụng giấy xét nghiệm Covid-19 đang có cách hiểu và áp dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương. Điều này đang làm khó cho người dân. Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, nhằm sớm có các giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình, ngày 7.7, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc hướng dẫn các địa phương, yêu cầu người đến từ TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Để siết chặt nguồn lây, UBND thành phố Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu từ 12 giờ ngày 7.7 áp dụng cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người về từ TP. Hồ Chí Minh. Từ 12 giờ ngày 8.7, chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày mới được vào thành phố. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai thì quy định người dân có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có giá trị trong vòng 7 ngày, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm, mới đủ điều kiện vào địa phương. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì yêu cầu tất cả những người vào địa phương này bằng đường bộ phải có giấy xét nghiệm Covid-19 không quá 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm… Điều đó cho thấy, đang có sự “vênh” nhau trong thực hiện quy định về giấy xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 và thời gian cách ly.

Địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bằng các biện pháp mạnh để kiểm soát lây lan dịch là cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Nhưng biện pháp thực hiện cần phải tính toán thấu đáo, tránh cực đoan và gây tốn kém chi phí cho người dân. Cùng với đó, cần có quy định chung về áp dụng kết quả xét nghiệm nhanh, thời gian tự cách ly và cách ly tập trung là bao lâu để thực hiện cho thống nhất, hiệu quả. Tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Lê Hùng