Cần sửa đổi căn cơ hơn nữa dự thảo Luật Giáo dục đại học<sup>(1)</sup>

- Thứ Tư, 15/02/2012, 07:44 - Chia sẻ
Kể từ phiên bản ngày 9.4.2011, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa ít nhất năm lần. Bản gần đây nhất, được góp ý trong bài này đề ngày 6.1.2012. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu từ các lần Hội thảo trước đây. Dự thảo Luật đã được trao đổi tại Kỳ họp QH lần thứ 2. Theo Phụ lục của ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, thì còn có 15 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, hãy còn một số nội dung quan trọng cần được xem xét kỹ và sâu hơn nữa để dự thảo luật được chỉnh sửa căn cơ hơn.

1. Một yêu cầu không thể thoái thác


Nguồn: hue.edu.vn

Triển khai một dự án xây dựng luật, đáng lý ra Ban soạn thảo phải chỉ rõ các nghị quyết của QH và các luật có liên quan, các văn bản dưới luật theo đó Bộ GD và ĐT đã điều hành và quản lý lĩnh vực giáo dục đại học; chỉ ra đã kế thừa các văn bản này như thế nào, đã đưa vào luật những quy định nào, không đưa vào những nội dung nào, chưa quy định những vấn đề nào và nói rõ lý do.

Hiện nay hơn 450 cơ sở giáo dục đại học đang hoạt động. Ban soạn thảo cần trình bày khái quát các số liệu và biểu bản về các cơ sở này, tính chất (công lập hay tư thục) và quy mô về các mặt, đồng thời có nhận định về các yếu kém bất cập của hệ thống các cơ sởã giáo dục đại học hiện nay, cũng như về quản lý, cần khắc phục.

Không xuất phát từ những tư liệu tối thiểu này thì Luật GDĐH không khác gì một lâu đài được xây trên cát, thậm chí còn tệ hơn vì đã luật hóa những bất cập đáng lý phải xóa; việc phân tầng sẽ càng rối rắm thêm, quyền tự chủ sẽ được trao nhầm địa chỉ!

Tháng 4.2011 tôi đã lưu ý rằng một văn bản và các số liệu như vậy rất cần nhưng không có. Gần mười tháng sau, tôi vẫn chưa tìm được các tư liệu đó.

2. Vẫn còn lộn xộn trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học

Luật Giáo dục 2005 tại Điều 42 khoản 1, quy định “Các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: a) Trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng; b) Trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao. Viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Mặc dù đã có rất nhiều góp ý mạnh mẽ, dự thảo Luật vẫn giữ “Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm có trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, đại học quốc gia.” (Điều 7, khoản 1).

Cần lý giải việc dự thảo cố giữ sự biến thể Điều 42, khoản 1, thành Điều 7 khoản 1, lộn xộn và khó hiểu này. Vì phải “đẽo chân theo guốc” chăng?

3. Cần thay các cụm từ “trình độ đại học” và “tốt nghiệp đại học”

Chúng ta đã quen với tư duy giáo dục cấp nào thì có trường cấp đó, tốt nghiệp cấp đó, từ tiểu học đến trung học phổ thông.

Phải chăng các cụm từ “trường đại học”, “trình độ đại học” và “tốt nghiệp đại học” trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng xuất phát theo quán tính của tư duy đó, bất luận những đặc thù của từng cấp đào tạo, nhất là ở giáo dục đại học?(2)

Theo Điều 4 của dự thảo: “Trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ”.

Nếu đại học là một trình độ đào tạo của giáo dục đại học thì thạc sỹtiến sỹ là gì so với trình độ đại học trong giáo dục đại học? Tại sao không gọi trình độ sau đại học trên đại học mà lại dùng thạc sĩ và tiến sĩ là tên của hai văn bằng?

Luật Giáo dục 2005, tại Điều 43, nói rõ có các bằng tốt nghiệp kỹ sư, kiến trúc sư, bác sỹ, dược sỹ, cử nhân. Tại sao trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, Điều 34, gộp chung lại “bằng tốt nghiệp đại học”, bất kể đặc thù của từng văn bằng?

Đối với Điều 34 của dự thảo, tôi đề nghị thay “tốt nghiệp đại học” bằng “tốt nghiệp văn bằng (tên)”, thể hiện vừa trình độ vừa văn bằng tốt nghiệp, như đối với thạc sĩ và tiến sĩ. Còn việc in phôi, quy định mẫu văn bằng, quá cụ thể, nên dành cho một văn bản dưới luật.

4. Phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học cần bao quát hơn

Chức năng của giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, truyền thụ kiến thức và tạo ra tri thức mới. Hệ thống giáo dục đại học của mỗi nước vì vậy chia sẻ cái chung phổ biến với các nước khác, lại có nét riêng phản ánh trình độ phát triển và nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của xã hội của nước đó ở từng giai đoạn.

Hệ thống giáo dục đại học của mỗi nước gồm có các lĩnh vực đào tạohệ thống các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực đó ở các trình độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ kỷ năng thực hành đến cơ sở lý thuyết.

Tiến bộ của khoa học và công nghệ, ngày càng nhanh, thay đổi hệ thống giáo dục đại học của các nước, cụ thể là các lĩnh vực đào tạo, nội dung đào tạo, và thời gian đào tạo. Sự cần thiết của học chế theo tín chỉ cần được hiểu và đặt trong bối cảnh này(3).

Trên thế giới, ngày càng có nhiều nước áp dụng mô hình đào tạo đại học thành ba giai đoạn 3 năm + 2 năm + 3 năm(4). Cuối mỗi giai đoạn, người học có thể ra làm việc và trở lại học tiếp khi có điều kiện.

Nền kinh tế của một nước, sức cạnh tranh của nó tùy thuộc chủ yếu vào nguồn nhân lực, nghĩa là suy đến cùng vào hệ thống giáo dục, mà trước tiên vào hệ thống giáo dục đại học của nước đó. Luật Giáo dục đại học, do vậy, cần được xây dựng ở tầm bao quát đó.

Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học bao gồm các trường cao đẳng (không phân biệt thuộc Bộ GD và ĐT hay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý), các trường kỹ sư và các trường đại học (university) về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, về kỹ thuật và công nghệ, về kinh tế (nghĩa rộng), về luật, về y, ...

Trong hệ thống này, có sự liên thông giữa các trường cùng lĩnh vực. Mỗi trường đại học, tùy theo các khoa mà nó đào tạo sẽ mang tên lĩnh vực hoặc được phân vào lĩnh vực tương ứng với đa số các khoa trong cơ cấu đào tạo.

Vì những lý do trên đây, tôi đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật quy định lĩnh vực giáo dục đại họchệ thống các cơ sở giáo dục đại học,... chứ không chỉ quy định các cơ sở giáo dục xét riêng lẻ, không đặt vào hệ thống GDĐH.

Từ phạm vi điều chỉnh này mà có những điều chỉnh tương ứng về đối tượng áp dụng, về trình độ đào tạo của giáo dục đại học, và các văn bằng kỹ thuật viên, kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ (5), tiến sỹ, dược sỹ, nha sỹ, bác sỹ, thạc sỹ y khoa, v.v... với các đặc thù nghề nghiệp của từng loại tên gọi. Bổ sung một Điều quy định cách đặt tên thống nhất các trường trong hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo.

Cách tiếp cận và những kiến nghị trên đây cho phép thống nhất trong lĩnh vực giáo dục đại học các trình độ đào tạo từ cao đẳng đến tiến sĩ; có chính danh cho các trường và các văn bằng; đồng thời tạo nền móng để sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học, giải quyết tình trạng có quá nhiều trường đại học với quy mô rất không thuần nhất(6), v.v...

Với sự sắp xếp lại như trên, sự phân tầng các cơ sở giáo dục đại học chỉ theo trình độ đào tạo, và chỉ dựa trên chất lượng đào tạonăng lực điều hành của bộ máy quản lý, bất luận công lập hay tư thục. Chính sách ưu đãi dành cho các trường đại học quốc gia, các trường đại học vùng, thể hiện qua chính sách đầu tư, còn về quản lý nhà nước thì bình đẳng với các trường đại học khác trong hệ thống.

Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học cũng sẽ có cơ sở khách quan, minh bạch và ít khả năng xảy ra trao nhầm địa chỉ.

5. Thành lập và giải thể một cở giáo dục đại học: nhiều cơ sở hở

Trong lần hội thảo tháng 9.2011 tôi có nhận xét rằng, trong quá trình thành lập một trường đại học có quá nhiều quyết định (quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định cho phép hoạt động đào tạo) và thời gian khá dài để các giấy phép này hết hiệu lực (bốn năm, ba năm, năm năm) vì không thực hiện được, nhưng liệu có chặt chẽ không? 

Việc nở rộ các trường đại học tư thục, với quy mô, chất lượng không đồng đều, vàng thau lẫn lộn, trong mấy năm gần đây có một nguyên nhân rất quan trọng từ cách cho phép thành lập lỏng lẻo, cộng với sự du di, “thông cảm”. Đó là chưa nói đến những tiêu cực có thể có, đi liền với các loại giấy phép.

Theo tôi, mỗi dự án thành lập trường đại học phải có luận chứng được xét nghiêm túc, công minh bảo đảm tính khả thi. Thà ít dự án thành lập khả thi hơn là duyệt nhiều dự án mà tính khả thi không rõ ràng, có giấy phép rồi mới bắt đầu chạy lo gom góp tài chính, tìm thầy, thuê địa điểm và xin đi vào hoạt động “non” bất kể chất lượng đào tạo!

Rất tiếc những quy định trên đây vẫn được giữ nguyên trong phiên bản ngày 6.1.2012 mà không được lý giải!

6. Vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận

Nhiều ý kiến từ các cuộc hội thảo trước đây đề xuất nên xem xét ba loại hình cơ sở GDĐH tư thục có thể cùng tồn tại ở Việt Nam: (a) hoạt động vì mục đích lợi nhuận; (b) hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; (c) một hình thức vì lợi nhuận có mức độ phù hợp với thực tế Việt Nam. Từ đó mà xây dựng các chính sách đối với từng loại hình công bố công khai và minh bạch.

Ban soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều ý kiến.

Khái niệm “không vì lợi nhuận” được giải thích tại Điều 6, khoản 7 : “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học tư thục trong đó các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không quá 1,5 lần lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”.

Tại Điều 60, khoản 4: “Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển”.

Tại Điều 60, khoản 5: “Tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào”.

Khoản 7 của Điều 60 được quy định thêm: “Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ phần tài chính chênh lệåch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học để đầu tư cho phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; về tài chính của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động giáo dục. Trên cơ sở này sẽ xác định tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học tư thục vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận để có chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp”.

Tuy vậy, có mấy vấn đề cần được làm rõ.

+ Vì lý do gì Ban soạn thảo lại đặt ra cách giải thích “không vì lợi nhuận” không giống ai cả? Hậu quả ra sao khi áp dụng cho các cơ sở GDĐH tư thục có vốn đầu tư nước ngoài mà ở nước đó “không vì lợi nhuận” được hiểu không như dự thảo? Và đâu là cơ sở để Ban soạn thảo đề xuất cổ tức hàng năm “không quá 1,5 lần lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”?

+ Theo Ban soạn thảo, vào thời điểm nào một dự án thành lập một cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phải khai báo về tính chất vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của cơ sở giáo dục đó?

+ Quy định về “tài sản không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển” trong Điều 60, khoản 4 là cho mọi cơ sở tư thục vì lợi nhuận cũng như không vì lợi nhuận?

+ Quy định như tại Điều 60, khoản 5 là một cố gắng của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần xem xét kỹ hơn. Hãy xem xét trường hợp sau đây:

Trên đất đai mà cơ sở tư thục được giao, do vị trí đắc địa của nó, hội đồng quản trị quyết định xây dựng mới một tòa nhà với vốn bỏ ra toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại từ vay ngân hàng. Diện tích sử dụng của tòa nhà được xây nhiều hơn diện tích cần thiết cho giảng dạy và quản lý, phần dư ra cơ sở cho thuê. Việc làm này có sai mục đích sử dụng hay không? Tài sản mới này thuộc sở hữu của ai? có thuộc diện không chia hay không? nếu cơ sở là tư thục vì lợi nhuận, và nếu không vì lợi nhuận? Thu nhập từ việc cho thuê diện tích được hạch toán ra sao và tính thuế như thế nào?

Ví dụ trên đây không phải hư cấu mà rất nhãn tiền, bởi lẽ đối với một số người, vì xã hội hóa giáo dục đại học được Nhà nước ưu ái, nên cần khai thác “bình phong” này để kinh doanh bất động sản dưới nhiều hình thức khác nhau.

+ Khái niệm “tài sản chung không chia”, “(tài sản) không (được) chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào” là những cố gắng đáng hoan nghênh trong việc quy định về tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của cơ sở tư thục. Tuy nhiên chủ sở hữu của những tài sản đó là ai, vẫn chưa có trả lời.

+ Các đại học Úc, Hoa Kỳ, Anh rất khác nhau về tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận. Các đại học Pháp, Đức cho tới gần đây chủ yếu là công lập. Mối quan hệ giữa “đại học mẹ” bên ngoài và “đại học chi nhánh” tại Việt Nam cần được xem xét kỹ vì chúng ta đã có một số bài học, có tích cực lẫn tiêu cực, về đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Giáo dục đai học là một lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài bình thường hay có điều kiện? Nếu có thì là những điều kiện gì?

Bộ GD và ĐT cần trao đổi, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để soạn thảo các điều khoản liên quan đến các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài vì lợi nhuận, và không vì lợi nhuận (theo nghĩa chính thống ở các nước). Nếu cần, xây dựng thành một chương riêng trong luật.

7. Chuyển đổi dân lập sang tư thục và hiểu về đại học tư thục

Luật Giáo dục 2005 quy định có ba loại hình trường: công lập, dân lậptư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 48). Điều 51, 1đ quy định đối với giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền thành lập trường công lập và cho phép thành lập trường dân lập, trường tư thục. Theo Điều 51, khoản 2, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học.

Nghị định 75/2006/NĐ-CP, ngày 02.08.2006, có hiệu lực ngày 17.08.2006, hướng dẫn thi hành Luật GD 2005, tại Điều 28 khoản 1, điểm c, quy định “Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: cơ sở giáo dục bán công, dân lập được thành lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2006, chuyển thành cơ sở giáo dục tư thục”. Tại khoản 2, “Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc chuyển đổi”.

Sẽ không còn đại học dân lập thành lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2006 nữa. Nếu từ nay sẽ không được thành lập đại học dân lập mới thì có nghĩa là trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ không có loại hình trường đại học dân lập. Liệu có trái với Luật Giáo dục 2005, Điều 48, hay không?

Ngày 29.05.2006, nghĩa là trước ngày NĐ 75 được ban hành và có hiệu lực, Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg được ban hành, quy định việc chuyển đổi 19 trường đại học dân lập sang tư thục, thời hạn hoàn thành trước ngày 30.6.2007, trong khi chưa có quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục.

Quy chế này được ban hành trong Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg, ngày 17.04.2009 và Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT quy định nội dung, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục ra đời ngày 16.07.2010.

Gần ba năm sau QĐ 122, chỉ mới có Trường đại học dân lập Thăng Long(7) được phê chuẩn việc chuyển đổi. Ngày 27.05.2009, Quyết định số 666/QĐ-TTg phê chuẩn việc trường đại học dân lập Hồng Bàng được chuyển sang đại học tư thục quốc tế Hồng Bàng. Từ đó đến nay, đã gần sáu năm, nhiều Trường đại học dân lập còn lại vẫn chưa hoàn thành việc chuyển đổi.

Trình tự ban hành và nội dung các văn bản dưới Luật Giáo dục 2005 cho thấy thiếu một sự nghiêm túc về tính nhất quán và tính hợp pháp, thậm chí có phần tùy tiện, trong công tác soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy này của Bộ GD và ĐT và các cơ quan khác có liên quan, mà công tác giám sát của Quốc hội đã không phát hiện và yêu cầu chấn chỉnh kịp thời.

Sự chậm trễ trong việc chuyển đổi cũng như trong việc ban hành QĐ 61 và Thông tư 20 đã nói lên sự hiểu biết về trường đại học tư thục của các cơ quan chức năng còn rất đơn giản so với thực tế hết sức phức tạp. Việc đưa ra một thời hạn hoàn tất, hết sức chủ quan, thiếu cơ sở, là một biểu hiện cụ thể.

Trong cái rủi có cái may. Sự phức tạp của quá trình chuyển đổi dân lập - tư thục đã giúp thấy được phần nào những thách thức đặt ra cho quản lý nhà nước đối với các cơ sở đại học tư thục.

Trong buổi ban đầu, những người sáng lập trường đại học dân lập là các nhà giáo đã cùng với các nhà đầu tư, người có công, người có của, ngồi lại với nhau và hợp tác khá tốt. Tuy nhiên qua quá trình hoạt động, bất đồng dần dần tích tụ, mâu thuẫn nảy sinh, mà gay gắt nhất xoay quanh vấn đề tài sảnsở hữu tài sảnquyền quyết định cơ cấu tổ chức.

Theo quan điểm của các nhà giáo, trường tư thục không thể là một công ty cổ phần ở đó người có tiền làm chủ, giáo viên làm thuê, sinh viên là khách hàng. Khối tài sản tích lũy được qua quá trình hoạt động dưới loại hình trường dân lập phải được định giá, và toàn bộ tài sản phải có phần vô hình như thương hiệu, đóng góp chất xám của đội ngũ giảng viên. Công sức, trí tuệ và tên gọi của trường cũng cần phải lượng hóa thành giá trị đóng góp tương đương.

Quan điểm của những người góp vốn thì cho rằng người góp vốn phải có những quyền để đảm bảo nguồn vốn của họ. Đã là trường tư thục phải chấp nhận cơ chế này. Thực tế trường hoạt động thua lỗ thì cổ đông chịu. Hệ thống pháp luật trong vấn đề xã hội hóa giáo dục hiện nay chưa minh bạch, không rõ ràng về quyền sở hữu tài sản nên tiền của trường thường rơi vào túi những người điều hành, hiệu trưởng...(8)

Ban hành chậm, nhưng Quyết định 61 và Thông tư 20 đã không giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn nảy sinh, và với những cơ chế về tài chính, về thuế hiện hành, các cơ sở đại học tư thục không khác gì những công ty cổ phần mà quyền lực nằm ở đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị, và lợi nhuận làm ra chia cho cổ đông theo tỷ lệ góp vốn.

Chính vì vậy, việc chuyển đổi dân lập – tư thục không diễn ra suôn sẻ, mâu thuẫn vẫn gay gắt. Trong bối cảnh đó, Quyết định 63, sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định 61, đã được ban hành ngày 10.11.2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26.12.2011, nghĩa là cách đây chưa đầy hai tháng.

Còn quá mới để đánh giá tác động của Quyết định 63, nhưng qua những quy định về cổ đông, về đại hội cổ đông và hội đồng quản trị, về quyền sở hữu tài sản,... có thể thấy rằng những sửa đổi của QĐ 63 là chưa căn cơ.

Theo thiển ý của tôi, chưa nói đến hoạt động vì lợi nhuận, vì lợi nhuận với mức độ hợp lý, hay không vì lợi nhuận, điều trước tiên cần xác định là cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc loại doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Điều kiện trước tiên là hoạt động phải có lãi. Nhưng điều kiện còn là đảm bảo một môi trường sư phạm tối thiểu; công tác đào tạo phải có chất lượng; đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên không phải đơn thuần là người làm thuê, ngoài lương, họ phải được hưởng thành quả của “chất xám” của họ, một thành tố quan trọng của thương hiệu của trường; trong tổng tài sản của trường phải có phần vô hình kết tinh từ hoạt động chất xám của họ;...

Một nội dung không thể không đề cập là vấn đề sở hữu tài sản, trong đó có phần tài sản tích lũy. Chừng nào chưa xác định chủ sở hữu của “tài sản chung không chia” và “tài sản không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào” thì khái niệm “không vì lợi nhuận” còn chưa thực sự có ý nghĩa, và đại học tư thục chưa có cơ sở rõ ràng, minh bạch để phát triển.

8. Nhận xét chung và kiến nghị

Mặc dù Ban biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhìn chung theo ý tôi, dự thảo luật chưa đủ độ chín để trình Quốc hội xem xét để thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới, trừ phi có một sự chuyển biến vượt bậc.

Sự lúng túng, vướng mắc thể hiện qua các phiên bản của dự thảo cho thấy sự kế thừa có chọn lọc các luật và văn bản pháp quy có liên quan chưa tốt, phạm vi điều chỉnh của luật chưa đủ tầm của Luật Giáo dục đại học đầu tiên của đất nước mà yêu cầu đặt ra cho nó là đặt nền tảng pháp lý rõ ràng, thể hiện sự đổi mới thật sự về quản lý nhà nước, để đưa nền giáo dục đại học vượt qua những yếu kém hiện nay, phát triển vững chắc và hội nhập với thế giới.

Trong mảng đại học công lập, còn nhiều nội dung mà bài góp ý này không đề cập nhưng đã được thảo luận rộng rãi trong các buổi hội thảo, cần được đào sâu thêm, để sau khi được ban hành, luật chắp cánh cho các trường vươn lên mạnh mẽ.

Trong mảng đại học ngoài công lập, nay chỉ còn có tư thục, dự thảo luật còn khá ngổn ngang vì nhiều lý do, mà cơ bản là vì sự hiểu biết về đối tượng còn đơn giản trong khi thực tế lại phức tạp, như đã thấy trên đây. Quyết định 61 rồi Quyết định 63 (còn “chưa ráo mực”) tỏ ra là những bước tiếp cận một thực tế chưa được nắm bắt sâu và đầy đủ.

Trong cả hai mảng, câu hỏi đặt ra là có nên luật hóa các quy định còn đang được thử nghiệm hay không, nhất là khi có liên quan đến hàng chục vạn người học?

Cuối cùng, Luật cần bao nhiêu nghị định hướng dẫn thi hành? là những nghị định gì và khi nào trình Quốc hội xem xét cùng lúc với dự thảo luật khi thông qua?

Nghị quyết Đại hội XI đề ra những yêu cầu rất rõ đối với giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học nói riêng. Luật Giáo dục đại học “ra đời non” chắc chắn không phục vụ tốt việc thực hiện các yêu cầu đó. Ngược lại là đàng khác.

___________________________________

1.  Một số nội dung trong bài đã được trình bày tại hội nghị tham vấn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 07.02.2012.

2.  Chính vì những đặc thù của từng cấp mà Quốc hội đã quyết định không gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3 nữa và thay bằng tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và sử dụng sinh viên thay cho học sinh đại học.

3. Trong phiên bản 06.01.2012, Điều 33, Tổ chức và quản lý đào tạo, khoản 1, quy định: “Việc tổ chức và quản lý đào tạo được thực hiện theo niên chế hoặc học chế tín chỉ”.

Trong phiên bản 09.04.2011, không có thuật ngữ tín chỉ. Học chế theo tín chỉ được đưa vào trong các phiên bản 26.08.2011 (tại Điều 29, Điều 32 khoản 1), 12.10.2011 và 06.01.2012 (tại các điều 31, 33 và 34).

Đào tạo theo niên chế không được đề cập trước đó, và xuất hiện trong các phiên bản 12.10.2011 và 06.01.2012.

Cảnh tranh tối tranh sáng, không dứt khoát đối với “học chế theo tín chỉ” và “đào tạo theo niên chế” sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức và quản lý đào tạo, nghĩa là đến chính việc xây dựng nền giáo dục đại học nước nhà.

4. Số năm là thời gian trung bình để hoàn thành chương trình ở mỗi giai đoạn (số tín chỉ cần đạt hàng năm và tổng số tín chỉ cần đạt ở mỗi giai đoạn).

5. Nhân đây, xin nói về từ thạc sĩ. Ở Pháp cho tới ngày nay, hàng năm một số ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, luật, y, vẫn tổ chức kỳ thi tuyển toàn quốc, được gọi là agrégation. Những người trúng tuyển được gọi là agrégé. Vào những năm 1940, Hoàng Xuân Hản, trong Danh từ khoa học, đã dùng “thạc sĩ” để dịch từ “agrégé” tiếng Pháp. Các cuộc thi tuyển agrégation khá tinh chọn vì số người trúng tuyển không nhiều. Agrégé các ngành khoa học tự nhiên, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn không cần phải có trình độ tiến sĩ, vì mục đích kỳ thi là để tuyển chọn những giáo viên về dạy ở các năm cuối của trung học phổ thông. Ngược lại, agrégé về y khoa, về luật, về văn chương phải là những người có bằng tiến sĩ, hoặc rất giỏi về chuyên khoa trong ngành y. Các giáo sư đại học trong các ngành này hầu như phải có bằng thạc sĩ mới được tuyển chọn.

6. Không ít trường đại học tự gọi là đại học, đặt tên khoa Khoa học và Công nghệ trong đó chủ yếu dạy công nghệ thông tin và một hai bộ môn toán! Lại có khoa Quan hệ quốc tế ở đó dạy một hai ngoại ngữ,...

7. Bối cảnh thành lập Trường đại học dân lập Thăng Long rất khác 18 trường đại học dân lập còn lại.

8. Các ý kiến trên đây được tổng hợp từ các phát biểu trong các buổi hội thảo.

Gs. Tskh Nguyễn Ngọc Trân