Doanh nghiệp "né" ký hợp đồng lao động

Cần tăng mạnh chế tài xử phạt

- Thứ Hai, 24/01/2022, 06:08 - Chia sẻ
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người làm việc không có quan hệ hợp đồng lao động, cần tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính hoặc đưa ra chế tài hình sự trong trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh tạo lập quan hệ lao động.

Doanh nghiệp “né”, lao động chịu thiệt 

Dù Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về thuê mướn lao động, liên quan đến việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, có rất nhiều người sử dụng lao động tìm cách “né” việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động để tiết kiệm chi phí như không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, quản lý nhân sự… Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Nguy hiểm hơn, nó còn là nguyên nhân của việc thiếu cơ sở bảo đảm an sinh xã hội, tăng gánh nặng ngân sách…

Ký kết hợp đồng lao đồng để bảo đảm các quyền lợi
Nguồn: ITN

Cô Nguyễn Thị Hiệp là nhân viên nấu ăn ở công ty may mặc tại khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) chia sẻ, “Cô làm nhân viên nấu ăn cho công ty hơn 3 năm. Bếp ăn có 5 nhân viên nhưng không thấy ai được ký hợp đồng lao động với công ty. Ngoài tiền lương cứng hàng tháng, không được công ty cho hưởng thêm chế độ gì khác…”. 

Thực tế cho thấy, người lao động sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu không có giao kết hợp đồng lao động, bởi có giao kết hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc người lao động sẽ được đảm bảo về lương, các khoản thu ngoài lương, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... và quan trọng hơn là có cơ sở pháp luật để buộc người sử dụng lao động tuân theo pháp luật. Song, không phải người lao động nào cũng nhận thức tầm quan trọng việc ký kết hợp đồng, nhất là lao động tự do thường rất ít quan tâm đến việc ký kết giao kết hợp đồng lao động, hoặc không đủ bản lĩnh yêu cầu giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

“Việc nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động trong doanh nghiệp không chỉ phản ánh một thực tiễn cấp thiết và sinh động từ nền kinh tế đa dạng toàn cầu mà nó đòi hỏi các nhà làm luật cần nhanh chóng đưa ra các chính sách pháp luật bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho tất cả những người đang làm việc dù rằng có hay không có hợp đồng lao động…”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Mạnh tay xử lý

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Bộ luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung quy định về người làm việc không có quan hệ lao động theo hướng có sự phân loại với những tiêu chí rõ ràng về nhà thầu độc lập - nhà thầu phụ thuộc. “Pháp luật cần tăng mạnh chế tài xử phạt hành chính, thậm chí chế tài hình sự trong trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh tạo lập quan hệ lao động. Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần được sửa đổi, bổ sung quy định, tiêu chí, chế tài cụ thể nhằm hạn chế sử dụng những người tự doanh không thật, hoặc sử dụng những dạng hợp đồng dân sự - thương mại, hợp đồng giả cách nhằm che giấu quan hệ lao động”, TS. Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Còn theo luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc thiết kế các quy phạm pháp luật với những tiêu chí rõ ràng nhằm phân loại người làm việc không có quan hệ lao động thành hai nhóm cụ thể là người tự doanh độc lập và người tự doanh phụ thuộc là điều cần thiết, điều chỉnh kịp thời những quan hệ xã hội trong lĩnh vực lao động từ thực tiễn. Ngoài ra, nhà làm luật cũng cần thiết lập cơ chế chặt chẽ về việc thực hiện trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nhóm người làm việc không có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp bên cạnh cơ chế bảo hiểm tự nguyện.

Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan hệ lao động xuất hiện thêm nhiều yếu tố mới. Những yếu tố mới trong quan hệ lao động hiện nay có sự đan xen chung giữa quan hệ dân sự, lao động, thương mại, kinh tế hay cụ thể hơn là sự đan xen giữa pháp luật lao động, dân sự và thương mại. Chính vì vậy, cần có sự phân định rõ ràng để đánh giá hợp đồng là thuộc sự điều chỉnh của pháp luật lao động (hợp đồng lao động) hay dân sự (hợp đồng dân sự). Việc phân định rõ ràng không chỉ nhằm bảo vệ cho người lao động ở vị trí yếu thế trong thương lượng hợp đồng công việc mà còn giúp tránh thất thoát những khoản đóng góp cho xã hội (như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội…).

Thái Yến