Chính sách an sinh xã hội

Cần thay đổi quy mô và cách tiếp cận

- Thứ Tư, 13/10/2021, 14:34 - Chia sẻ
Trước thực trạng đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành. Xung quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi về quy mô, phương thức tiếp cận của hệ thống chính sách, tạo nên những giá đỡ bền vững, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chính sách an sinh cho người lao động và nhóm yếu thế cần có sự thay đổi.
Chính sách an sinh cho người lao động và nhóm yếu thế cần có sự thay đổi

Báo cáo tình hình lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê (2021) cho thấy, có tới 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Đặc biệt, làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng hơn với 0,5 triệu người mất việc làm; 4,1 triệu người tạm nghỉ/tạm dừng sản xuất, kinh doanh; 4,3 triệu người giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và có 8,5 triệu người bị giảm thu nhập. Tình hình đại dịch vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nơi tập trung trên 60% doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ… 

Tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định các chính sách an sinh xã hội thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, duy trì sản xuất cũng là để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế. Trong bối cảnh hiện nay, từ kinh nghiệm và hậu quả có thể thấy rõ, từ đợt dịch thứ tư, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”, do vậy, các chính sách, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động và những nhóm yếu thế, cần phải có sự thay đổi.

Theo kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam cần xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không "lỡ nhịp" khi bước vào trạng thái "bình thường mới". Đặc biệt, về lâu dài, cần xem xét xây dựng sàn an sinh xã hội cùng với việc đưa ra những mức chuẩn cơ bản làm thước đo mức độ khó khăn của người dân do các rủi ro gây tác động đến, tạo nên những giá đỡ bền vững, mọi người không bị rớt khỏi sàn, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

TS Phạm Hồng Chương chỉ rõ, cần xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2021), mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng hỗ trợ (chuẩn hóa theo GDP bình quân đầu người) ở Việt Nam cao hơn so với tất cả các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan) nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Vì đây là những nhóm yếu thế nhất do ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như Covid-19. Bởi theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB 2021), với tác động của Covid-19 tới thu nhập của hộ gia đình, các nhóm người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở nông thôn và người cao tuổi là những người có nguy cơ bị nghèo hóa nhiều hơn những nhóm tương ứng. Do đó, nhóm dân số này cần là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

PGS.TS Phạm Hồng Chương cũng cho rằng, lao động tự do là đối tượng rất khó xác định hoặc thiếu căn cứ để xác định nên nhiều người không tiếp cận được với chính sách, dẫn đến xác định nhầm hoặc bỏ sót. Do vậy, cần tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ phổ biến, vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.

_______

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương