Cần thay đổi về tư duy, phương thức đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 06:30 - Chia sẻ
Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã chỉ ra đây là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay để khắc phục các tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, yêu cầu này tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó với nguồn nhân lực bao gồm cả nguồn nhân lực trong khu vực công và khu vực tư đều cần cách tiếp cận mới để phát huy hiệu quả.
	Toàn cảnh Hội thảo khoa học về “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” Nguồn: VGP
Toàn cảnh Hội thảo khoa học về “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”
Nguồn: VGP

Quan tâm hơn vào cách sử dụng nhân tài

Các nguồn lực của nền kinh tế được Nghị quyết 39-NQ/TW đưa ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực. Trong đó, với nguồn nhân lực, bên cạnh đưa ra những mục tiêu cụ thể đến từng dấu mốc năm 2025, 2035 và 2045, Nghị quyết này đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu: nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế về phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực Việt Nam; đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá và đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động hoạt động hiệu quả.

Tại Hội thảo khoa học về "Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế" do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vừa qua, đánh giá việc thực hiện yêu cầu với nguồn nhân lực được Nghị quyết 39-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng từ khu vực công, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhận thấy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về bồi dưỡng, phát triển, thu hút và đãi ngộ nhân tài trên nền tảng tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và “Nhân tài tạo đột phá cho sự phát triển”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã quy định rõ trong văn bản luật “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng”. Và mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được đánh giá sẽ “cởi trói” cho sự sáng tạo, đột phá.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác, nhiều năm qua, Hải Dương luôn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở khu vực công. Để giải quyết tình trạng này, ông Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ cao, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào làm việc; đào tạo nhân lực theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc để sử dụng tốt đối tượng thu hút và cử đi đào tạo.

Dù đã chú trọng thực hiện phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, nhưng quá trình áp dụng các cơ chế, chính sách liên quan trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy rõ một số hạn chế. Đặc biệt, vì thu hút nhân tài dựa vào bằng cấp nên đối tượng thu hút chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, chưa thu hút được nhiều người có chuyên môn cao hoặc dày dặn kinh nghiệm quản lý. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương đã áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ, song với giới hạn quy định về quy trình bổ nhiệm, cách tính tiền lương hiện nay, nhìn chung đãi ngộ vật chất đối với nhân tài còn thấp so với mặt bằng xã hội, chưa đủ sức thu hút vào khu vực công.

"Phát hiện và thu hút được nhân tài nhưng sử dụng và phát huy được tài năng của họ mới là vấn đề quan trọng nhất vì nếu không biết sử dụng, trong đó có đãi ngộ, thì họ không thể có cơ hội cống hiến và phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ xã hội, thậm chí làm cho tài năng của họ có thể bị thui chột. Chính vì vậy trong thực hiện chính sách không thể “khuôn mẫu” cứng nhắc mà phải rất linh hoạt, công tâm, sáng suốt. Vì phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng được “nhân tài” thực sự là một nghệ thuật trong lãnh đạo và quản lý", ông Triệu Thế Hùng nhận định.

Cần giải pháp tổng thể để phát huy lực lượng lao động

Đối với khu vực tư, trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học kể trên, Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận thấy, đại dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian qua đã ảnh hưởng rộng đến các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ. Để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, cần khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cần thiết cho điều hành và quản lý Chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đang được xây dựng.

Cũng theo ông Hà Tôn Vinh, đại dịch Covid-19 và nhu cầu của thời đại 4.0 đòi hỏi một nguồn nhân lực mới, được hình thành qua mô hình đào tạo mới. Mô hình đào tạo này sẽ hướng học sinh, sinh viên theo hai kênh giáo dục và đào tạo có khác biệt rõ rệt. Giáo dục giúp học viên thu thập kiến thức, các kỹ năng để hoàn thiện, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. Hệ thống giáo dục ở đây cũng sẽ có tính liên tục, không chỉ áp dụng trong một số giai đoạn như hiện nay ở nước ta. Còn hệ thống đào tạo sẽ đáp ứng đào tạo nghề, thực tập chuyên ngành cho những học viên không có khả năng theo đuổi, hoàn thành nhiều năm học từ trung học đến đại học.

Từ thực tế ngành dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường cũng chỉ ra nhiều yêu cầu khác nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực. Hiện nay, xuất khẩu dệt may nước ta đã vươn lên vị trí thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay chúng ta khó hình thành những sản phẩm đột phá về công nghệ so với thế giới. "Do vậy, cần thay đổi tư duy về ngành dệt may của đất nước”. Trong đó, phải xác định dệt may là ngành quan trọng trong vòng vài chục năm tới và không thể duy trì mô hình sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, không có ngành sản xuất nguyên liệu và ngành nghiên cứu phát triển về vật liệu, thiết kế như hiện nay. Thay vào đó, phải đầu tư phát triển công nghiệp dệt may, với các khu tập trung lớn quy mô hàng nghìn héc ta cho sản xuất nguyên liệu và khoảng 20% nguyên liệu được làm đến khâu may tại khu công nghiệp (dự kiến đầu tư 8 - 10 khu công nghiệp quy mô trên 1.000ha). Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia giữ vai trò điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp cho người mua hàng hóa dệt may toàn cầu… 

Từ những kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và những đòi hỏi mới về phát huy các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến trình khôi phục, phát triển bền vững kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo "Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế" nhấn mạnh, cần có những thay đổi về tư duy, phương thức đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ở hai khu vực công - tư. Thậm chí, như các chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực mới, được tái đào tạo để nâng cao trình độ, phù hợp với các thách thức của thị trường và thế giới trong thời gian tới.

Lê Bình