Cần thêm sáng kiến hỗ trợ

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:40 - Chia sẻ
Giãn cách xã hội, sống trong khu vực cách ly phong tỏa đã ảnh hưởng rất lớn đến người nhiễm HIV, đang điều trị thuốc ARV. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2030, cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét được nêu ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Theo thống kê của Bộ Y tế, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống thời điểm 30.9.2021 là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu dịch đến nay là 108.849 trường hợp. Trong 10 tháng năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (46%) và 30 - 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.

Đại dịch Covid -19 đã làm gián đoạn trong điều trị của người bị nhiễm HIV
Đại dịch Covid -19 đã làm gián đoạn trong điều trị của người bị nhiễm HIV
Nguồn: ITN

Như vậy, so với năm 2020 số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng gia tăng, mặc dù dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm HIV của các quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội, sống tại khu vực bị cách ly, phong tỏa đã dẫn đến tình trạng người bệnh không thể đến được các cơ sở điều trị để khám, lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm định kỳ. Đáng quan tâm hơn, do kỳ thị và tự kỳ thị vẫn là rào cản dẫn đến việc nhiều người nhiễm HIV đã lựa chọn giải pháp đi đến các cơ sở điều trị xa nơi mình ở để điều trị, thậm chí là đến tỉnh/thành phố khác.

Hơn nữa, tình trạng các doanh nghiệp bị đóng cửa do tác động của Covid-19 đã dẫn đến nhiều người nhiễm HIV thất nghiệp, thẻ BHYT bị gián đoạn, hết hiệu lực. Điều này đã dẫn đến việc người nhiễm HIV không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, trong đó có điều trị thuốc ARV. Ngoài ra, tại các thành phố lớn, có nhiều khu công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… người nhiễm HIV là công nhân trong doanh nghiệp đã lựa chọn phương án quay trở về quê hương, không tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế mà họ đang điều trị.

Thông qua Mạng lưới quốc gia những người sống với H, Cơ quan Chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) đã hỗ trợ chi phí hàng tháng từ 330.000 - 350.000 đồng cho những bệnh nhân sử dụng thuốc Methadone khó khăn nhất.

Không để gián đoạn trong điều trị

Cũng do dịch Covid-19 nên sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giảm đáng kể. Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhằm giảm tác động của Covid-19 dẫn đến việc gián đoạn điều trị ở người nhiễm HIV, người sử dụng dịch vụ sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV (PrEP), một loạt can thiệp đã và đang được thực hiện Bộ Y tế triển khai như: ban hành công văn hướng dẫn về việc cung cấp thuốc ARV cho người bệnh như cấp phát thuốc ARV nhiều tháng, gửi thuốc qua đơn vị vận chuyển, thông qua nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện, đơn giản thủ tục khi tiếp nhận người bệnh chuyển về từ cơ sở khác… Đặc biệt, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn khám chữa bệnh và thanh toán BHYT trong bối cảnh Covid -19, trong đó có mục riêng đối với người bệnh HIV, người bệnh lao đối với các trường hợp người bệnh không thể đến được cơ sở khám chữa bệnh theo hẹn để khám và lĩnh thuốc ARV.

Ngoài ra, Cục Phòng, chống HIV đã thành lập nhóm đáp ứng nhanh trong cung cấp thuốc ARV điều trị người nhiễm với phương châm không để người nhiễm HIV nào bị dừng thuốc vì tác động của Covid-19. Thường trực của nhóm đặt tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS, với sự tham gia của các bộ thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các dự án, CDC các tỉnh/thành phố, bệnh viện trung ương, đại diện mạng lưới người sống chung với HIV, doanh nghiệp xã hội. Mạng lưới này đã kết nối các cơ sở điều trị có người nhiễm HIV chịu tác động của dịch Covid-19 với đại diện người sống chung với HIV, các cơ quan quản lý…

Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV ở Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Những người làm công tác cộng đồng như chúng tôi đã chứng kiến vô vàn thách thức mà những người có HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV phải đối mặt trong dịch Covid-19, và cả những nỗi tuyệt vọng vì khó khăn. Chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày và việc hỗ trợ khoản phí điều trị hàng tháng cho bệnh nhân là một sáng kiến kịp thời để ứng phó với tình trạng giãn cách xã hội do Covid-19”.

Đình Khoa