Cấp giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công:

Cần thiết phải có chế tài?

- Thứ Tư, 25/11/2020, 11:57 - Chia sẻ
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2008/NĐ-CP, quy định kinh doanh rượu phải được cấp phép. Thế nhưng, đến nay số cơ sở kinh doanh rượu thủ công được cấp phép, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Chỉ 15-20% có giấy phép                                             

Đánh giá kết quả sau hơn 3 năm triển khai thực hiện các quy định của Nghị định số 105/NĐ-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu cho thấy, Bộ Công thương đã cấp được 20 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 500 Giấy phép phân phối rượu; và tổng hợp số liệu báo cáo của 46 Sở Công thương các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã cấp được 202 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 1.202 Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, 1.343 Giấy phép bán buôn, khoảng trên 10.000 Giấy phép bán lẻ rượu.

Số lượng giấy phép này là quá khiêm tốn so với báo cáo tổng kết từ 46 Sở Công thương, mỗi năm có từ 250 - 280 triệu lít rượu được sản xuất thủ công. Như vậy, hoạt động sản xuất rượu thủ công không có giấy phép hoặc không đăng ký theo quy định vẫn còn khá phổ biến, tỷ lệ Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh mặc dù đã có sự cải thiện tăng đáng kể so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn rất thấp so theo báo cáo cũng chỉ đạt khoảng 15 - 20%. Hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại không thực hiện việc đăng ký với UBND xã theo quy định. Nhiều hộ bán lẻ rượu không tiến hành việc xin cấp giấy phép theo quy định, thực tế tỷ lệ giấy phép bán lẻ có tăng lên so với trước nhưng cũng chỉ đạt khoảng 50 - 60%.

Phó trưởng Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương Vũ Đức Nam nêu thực tế, hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có quy mô nhỏ, sản lượng ít, sản xuất theo mùa vụ, không liên tục, sản xuất chủ yếu là để lấy phụ phẩm chăn nuôi nên không thực hiện việc cấp phép. Một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như không thực hiện công bố chất lượng sản phẩm rượu, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... nên cũng gây khó khăn cho việc cấp phép của các địa phương. Trong khi đó, thủ tục cấp giấy phép mặc dù đã được đơn giản hóa rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn khá phức tạp đối với người dân, phí thẩm định cấp phép còn cao dẫn đến tâm lý e ngại khi thực hiện.

Tập huấn các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu thủ công 

Đăng ký giấy phép… chỉ nghe nói qua

Mặc dù có nhiều quy định, từ Nghị định, tới Luật về quản lý rượu, bia trong đó có rượu thủ công đã được ban hành. Tuy nhiên, khảo sát tại một số địa phương có sản lượng lớn về rượu thủ công như Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình,... cho thấy, nhiều người không hề biết đến quy định về xin cấp phép sản xuất kinh doanh rượu, hoặc có biết cũng lơ mơ và phớt lờ. Đơn cử, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là nơi có nghề nấu rượu truyền thống. Hiện có trên 400 hộ nấu rượu thủ công bán lẻ, bán buôn cho các nhà hàng, quán ăn tại địa phương và các tỉnh lân cận. Có gia đình có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nấu rượu, mỗi ngày nấu gần 100 lít rượu, vào dịp lễ tết tới vài trăm lít. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xin đăng ký, xin cấp giấy phép sản xuất kinh doanh rượu thủ công theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì nhiều hộ cho biết là chưa được thông tin về quy định này hoặc có nghe nói qua.

Tại Ninh Bình, ước tính sản lượng rượu thủ công lên tới hơn 5 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, đại diện Sở Công thương tỉnh thừa nhận, các cơ sở nấu rượu đăng ký với chính quyền, xin cấp phép rất ít. Ở các địa phương khác cũng không khá hơn, tại Bắc Giang mới có hơn 300 cơ sở trong tổng số gần 4.000 cơ sở nấu rượu được cấp giấy phép. Tại Nam Định, chưa tới 100 cơ sở đăng ký trong tổng số hàng nghìn cơ sở nấu rượu trên toàn tỉnh… Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong. Tại Hà Nội gần đây, tình trạng ngộ độc rượu có chiều hướng gia tăng. Riêng trong tháng 10.2020, có 18 trường hợp ngộ độc, phần lớn các ca đều nặng và nhiều trường hợp đã tử vong.

Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, các quy định về pháp luật đã khá đầy đủ với quản lý rượu thủ công, nhưng các cơ sở vẫn không chịu đăng ký. Họ cho rằng không đăng ký cũng chẳng sao cả, còn đăng ký thì mất thêm chi phí, thời gian mà chẳng được ích lợi gì hơn, có khi còn bị các cơ quan chức năng thường xuyên hỏi thăm. Vì vậy, trước hết cần phải bổ sung các chế tài dành cho những hành vi không tuân thủ pháp luật và đẩy mạnh tuyên truyền, để các cơ sở rượu thủ công ý thức được việc không tuân thủ pháp luật sẽ phải gánh chịu hậu quả, ông Việt đề xuất.

VBA; Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD); Sở Công thương tỉnh Ninh Bình thực hiện Chương trình thí điểm Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công ở tỉnh Ninh Bình. Chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất rượu thủ công về vấn đề tác hại của rượu không đăng ký cho người tiêu dùng và xã hội; những lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ pháp luật dưới góc độ kinh doanh và xã hội.

 

Đình Khoa