Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhi vỡ túi phình mạch máu não

- Thứ Năm, 29/07/2021, 09:59 - Chia sẻ
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa can thiệp thành công, cứu sống nhi 11 tuổi bị vỡ túi phình mạch máu não.
		Bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh tốt
Bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh tốt

Trước đó, vào ngày 17.7, bé trai T. T. N. B, 11 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tình trạng xuất huyết nội sọ vùng thái dương trái. Người nhà cho biết, trong hai ngày gần đó, bé than nhức đầu, nôn ngày càng tăng, gia đình đưa bé đi khám tại y tế địa phương khám, được chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não nghi ngờ bé bị vỡ dị dạng mạch máu não nên chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não và ghi nhận: xuất huyết não vùng thái dương trái giai đoạn bán cấp nghi do dị dạng động tĩnh mạch. Bé tăng huyết áp và sốt nên được điều trị nội khoa tích cực, sau đó  được chụp mạch máu não bằng kỹ thuật DSA (chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền) để chẩn đoán xác định. Kết quả chụp khẳng định tình trạng xuất huyết não ở bé là do túi phình mạch máu não vỡ. Sau đó bệnh nhi được các bác sĩ  Khoa Ngoại Thần kinh và Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện kỹ thuật nút phình mạch máu não số xóa nền DSA. Đây là 1 kỹ thuật hiện đại trong can thiệp túi phình mạch máu não ở trẻ em nói riêng và người lớn nói chung. Các bác sĩ sử dụng 1 ống thông nhỏ, luồn từ động mạch đùi của bé, đưa ống thông lên đến tận các mạch máu não nơi có túi phình, và thả vào túi phình này 1 kết cấu đặc biệt gọi là coil nhằm bít túi phình và nút kín chỗ chảy máu.

Quá trình can thiệp đã diễn ra khá thuận lợi và bít được hoàn toàn túi phình. Thời gian can thiệp 45 phút. Hiện bé đã ổn định, hết nhức đầu, ăn uống lại tốt. Theo TS. BS Hà Tấn Đức Trưởng khoa đột quị bệnh viện, đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng kĩ thuật can thiệp này ở trẻ em. Bác sĩ Đức cũng thông tin thêm, túi phình mạch máu não là 1 dạng bất thường của mạch máu, do thành mạch máu có một điểm yếu, lâu dần giãn lớn thành túi phình. Tần suất có túi phình mạch máu não trong cộng đồng khoảng 3% dân số, và tỷ lệ các túi phình mạch máu não bị vỡ khoảng 0,3%/năm. Đối với túi phình nhỏ dưới 5 mm đường kính, thường không có triệu chứng. Một số túi phình lớn có thể gây nên triệu chứng nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc xung quanh mắt, tê bì hoặc yếu một bên vùng mặt, nói khó, đau đầu kinh niên, mất thăng bằng. Trong trường hợp túi phình vỡ, bệnh nhân đột ngột bị đau đầu dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn, trường hợp nặng có thể hôn mê. Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng gợi ý vỡ túi phình mạch máu não, thân nhân cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Dù đang thiết lập khu Hồi sức tích cực để tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới và đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu… để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu, bệnh viện vẫn đảm bảo hoạt động điều trị các trường hợp bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long chuyển đến.

Vũ Châu