Cần ưu tiên vaccine cho "shipper"

- Thứ Tư, 28/07/2021, 16:34 - Chia sẻ
Để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, TP.Hà Nội yêu cầu công ty kinh doanh ứng dụng giao hàng công nghệ (shipper) trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, đối tượng này cần sớm được ưu tiên tiêm chủng bởi họ đang ở tuyến đầu bảo đảm sự lưu thông hàng hoá đến với người dân, đồng thời là đối tượng di chuyển nhiều với phạm vi rộng để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Nguồn: ITN

Chỉ là biện pháp tình thế

Thực hiện Chỉ thị 16 về việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch, mới đây Sở Giao thông vận tải Hà Nội quyết định dừng các hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe máy, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và "xe ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) như Grab, Be, Gojek, MyGo, FastGo. Các ứng dụng sẽ phải dừng toàn bộ giao hàng cho đến khi có thông báo mới.

Hiện tại, nhân viên bưu chính và nhân viên giao hàng hoá thiết yếu của các siêu thị hoạt động với điều kiện đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm về phòng dịch của nhóm này và gửi danh sách đăng ký về Sở Giao thông Vận tải. Sau đó, Sở sẽ chấp thuận qua tin nhắn. Người được chấp thuận sẽ chụp màn hình tin nhắn của Sở Giao thông Vận tải để cung cấp cho lực lượng kiểm tra khi có yêu cầu.

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc phòng chống dịch bệnh là yếu tố được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Do đó lo ngại về nguy cơ shipper đi lại, tiếp xúc nhiều sẽ rất dễ lây nhiễm và trở thành nguồn lây nhiễm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến người dân không được ra khỏi nhà trong khi nhu cầu công việc, mua sắm hàng thiết yếu rất lớn và họ chỉ có cách đặt giao hàng công nghệ.

Thực tế thời gian giãn cách không phải vài ngày mà có thể kéo dài nửa tháng đến 1 tháng như hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh đặt giao hàng công nghệ phải dừng toàn bộ hoạt động chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu về dài phải có phương thức phù hợp hơn.

Cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhân viên giao hàng công nghệ là một phần của mạng lưới cung ứng thương mại, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong đại dịch, vai trò của những người này  đặc biệt quan trọng. Khi Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội thì rõ ràng các shipper giống như một lực lượng lao động mới nằm trong chuỗi cung ứng, kết nối các cửa hàng thiết yếu với người dân, giảm lượng người phải ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, không phải hệ thống siêu thị nào cũng có lực lượng giao hàng đông đảo. Các siêu thị đều hợp tác với các ứng dụng để giao hàng đến tay người tiêu dùng qua các ứng dụng. Việc hạn chế ra đường theo quy định giãn cách xã hội khiến người dân phải mua hàng online, sử dụng dịch vụ vận chuyển. Chỉ riêng việc đi chợ, đi siêu thị, liệu đội ngũ shipper của siêu thị có đủ để phục vụ nhu cầu người dân không?

Nguồn: ITN

Có thể cho hoạt động trong phạm vi nhỏ

Ông Thịnh cho rằng, các shipper đang ở tuyến đầu bảo đảm sự lưu thông hàng hóa, đồng thời là đối tượng di chuyển nhiều với phạm vi rộng để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Vì vậy họ cần được ưu tiên tiêm vaccine. 

Trước mắt, các cơ quan quản lý địa phương có thể thực hiện việc phát giấy chứng nhận có dán ảnh và đóng dấu để shipper chỉ chạy trong phạm vi nhỏ trong một hoặc hai phường, xã nơi họ ở, như vậy sẽ kiểm tra giám sát dễ dàng hơn. “Tất nhiên làm như vậy sẽ khó khăn cho shipper vì nhiều mặt hàng nằm ngoài địa phương nhưng đành chấp nhận vì chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 16”, ông Thịnh nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Economica Vietnam Lê Duy Bình nhấn mạnh, shipper cần được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm để một khi địa phương nào đó phải thực hiện Chỉ thị 16 sẽ đỡ căng như hiện nay. Ngoài ra, cần ưu tiên cho cả những người tham gia chuỗi dịch vụ hậu cần từ lái xe tải, nhân viên bốc dỡ, đóng gói, người làm hải quan, bán lẻ đến người giao hàng cuối cùng.

Theo ông Lực, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, cho shipper hoạt động nhưng với điều kiện công ty ứng dụng giao hàng phải có giải pháp để shipper không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Đồng thời, yêu cầu thanh toán không tiền mặt tất cả các giao dịch.

Với thế mạnh về công nghệ và vận hành, ông Lực cho rằng, các đơn vị kinh doanh giao hàng công nghệ sẽ có cách để bảo đảm vừa có năng lực thi hành phương án giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu qua ứng dụng, vừa bảo đảm các biện pháp để phòng chống dịch.

An Thiện