Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:33 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn "Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp" ngày 2.12, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp rất cần thiết.
Toàn cảnh Diễn đàn
Ảnh: Hạnh Nhung

Hơn 2 triệu nông hộ được đào tạo kỹ năng số

Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhưng nhờ chủ động chuyển đổi số trong nông nghiệp, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên nền tảng online,  hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, tiêu thụ vải thiều đạt được kết quả cao nhất từ trước tới nay với hơn 215.000 tấn, thị trường cũng mở rộng hơn.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, dưới tác động của đại dịch Covid-19 chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận… Cùng với đó, kết nối sản xuất cung - cầu, khắc phục tình trạng thiếu thông tin thị trường, về tiến bộ khoa học và công nghệ, quản trị sản xuất kinh doanh.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam thì có 42% muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp, so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Tính đến tháng 11.2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa các sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện. 

“Chuyển đổi số sẽ khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả. Nếu chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công”, ông Lương Quốc Đoàn khẳng định.

Nông dân sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu 

Tuy vậy, theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đang có một số vướng mắc. Trình độ công nghệ chung của cả nước thấp, chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Tỷ lệ nhập khẩu công nghệ ở Việt Nam chỉ đạt 10%, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80 - 90, 75% đã hết khấu hao. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam đạt 3,8/7 xếp hạng 97/141. Trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Công Thắng đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp, xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân, khuyến khích tập trung đất đai. Quan trọng là cần thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh.

Nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp là rất cần thiết, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, cơ sở dữ liệu này chính nông dân sẽ là người xây dựng. Họ sẽ phải cập nhật ngày trồng, ngày phun thuốc, dự kiến ngày thu hoạch… Nắm được thông tin này doanh nghiệp sẽ chủ động trong thu mua và nông dân cũng tiện lợi khi cần truy xuất nguồn gốc. 

Ông Lương Quốc Đoàn cho biết, tới đây, Hội Nông dân Việt Nam sẽ xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; hướng dẫn nông dân xây dựng dữ liệu lớn về nông nghiệp; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.

Hạnh Nhung