ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh):

Xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho loại hình bảo hiểm vi mô

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 11:25 - Chia sẻ
Tham gia góp ý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng nay, tại điểm cầu Quảng Ninh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Việc Dự thảo chỉ xây dựng 2 Điều về bảo hiểm vi mô là quá ít và chưa đủ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho loại hình bảo hiểm này.

Bảo đảm bình đẳng giữa bên bán và mua

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là yêu cầu cấp thiết nhằm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế có liên quan; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế...

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại điểm cầu Quảng Ninh - ảnh: MẠNH TUÂN
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại điểm cầu Quảng Ninh

Ảnh: MẠNH TUÂN 

Đồng tình và đánh giá cao với Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Báo cáo giải trình của Bộ Tài Chính, đại biểu đánh giá: Đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tương thích đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm quốc tế, nhất là thị trường bảo hiểm Việt Nam, 100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 19/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn đầu tư nước ngoài.

Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu cho rằng, bản chất là sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ ảnh hưởng, đặc điểm của mỗi loại hợp đồng có khung pháp lý điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả. Hợp đồng Bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận ký kết thương lượng giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm - bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật; bên mua (là khách hàng cá nhân chiếm số lượng lớn) thường thụ động trong tìm hiểu đầy đủ nội dung các điều khoản, thường rơi vào yếu thế khi thực hiện hợp đồng. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm.

Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giải thích với bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Lý giải về điều này, đại biểu phân tích: Tại khoản 2, điều 17, việc giải thích của bên bán cho bên mua bảo hiểm là trách nhiệm mang tính chủ động hay theo yêu cầu của bên mua chưa được dự thảo Luật làm rõ. Tại khoản 2, điều 18, đối với bên mua bảo hiểm việc kê khai thông tin lại phải thực hiện theo “yêu cầu” của doanh nghiệp bảo hiểm. “Do đó, việc giải thích hay cung cấp thông tin cần được thực hiện một cách bắt buộc, không phụ thuộc vào bên mua”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, doanh nghiệp bảo hiểm cần đăng ký tất cả các điều khoản hợp đồng với một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Về cơ chế bảo vệ người được bảo hiểm, tại Điều 140 dự thảo luật nêu Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN phá sản, mất khả năng thanh toán. Theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, trích lập và quản lý, sử dụng Quỹ, theo Luật hiện hành, việc thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ này được quy định chi tiết ở Nghị định 73 của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật, nhất là những vấn đề quan trọng, cốt yếu như: nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ, nguyên tắc bồi thường... để có được hiệu lực cao hơn, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng, người tham gia bảo hiểm.

Các quy định liên quan đến bảo hiểm vi mô phải rất đầy đủ, minh bạch

Bên cạnh các quy định về hợp đồng, nội dung liên quan đến bảo hiểm vi mô cũng được đại biểu hết sức quan tâm. Theo đại biểu, dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung đặc thù, các đối tượng được triển khai bảo hiểm vi mô, còn các điều kiện, thủ tục cấp phép thành lập, quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ, chế độ tài chính và quản lý nhà nước đối với các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đã được đề cập trong Dự thảo Nghị định gửi kèm với mục đích để phù hợp với đặc trưng của tổ chức này trong từng thời điểm phát triển và không làm ảnh hưởng đến tính ổn định, dài hạn của Luật. Tuy nhiên, việc chỉ thiết kế 2 Điều về bảo hiểm vi mô (Điều 114, 115) là quá ít và chưa đủ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho loại hình bảo hiểm này.

Đại biểu nhận định, vì mô hình này hướng tới nhóm đối tượng lao động thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị- xã hội, sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Do vậy, nếu việc quản trị, kiểm soát rủi ro không tốt sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực, lớn đến cả xã hội. Chính vì vậy, các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tổ chức được phép thực hiện bảo hiểm vi mô phải rất đầy đủ, minh bạch.

Cũng theo đại biểu, hiện nay, dự thảo Luật quy định 2 loại hình tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô là: Doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nên có quy định hạn ngạch cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô để nâng cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô và tạo cơ hội có nhiều kênh đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, đoàn viên hội viên, góp phần nâng cao chất lượng thu hút tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức hội.

Cho ý kiến thêm về quy định bảo đảm an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm (Mục 5, Chương II), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà dẫn chứng: Thực tế thời gian qua, đã xảy ra các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm với quy mô, số tiền trục lợi ngày càng lớn, tính chất ngày càng tinh vi phức tạp, tình trạng trục lợi xảy ra ở hầu hết các công đoạn trong chu trình bảo hiểm từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường. Vì vậy, cần nhận diện đầy đủ các tổn thất, các hình thức gian lận và các đối tượng của các hành vi gian lận để có chế tài trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, phải xây dựng các quy định mang tính toàn diện hơn, không chỉ phòng chống gian lận của các đối tượng bảo hiểm mà kể cả các doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và các cộng tác viên bảo hiểm.

MẠNH TUÂN