Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid - 19

Cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro quốc gia

- Thứ Ba, 09/11/2021, 16:49 - Chia sẻ
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 được xây dựng theo kịch bản tăng trưởng khá tích cực. Cho rằng, đây là mong muốn đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ nhằm cơ cấu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tại phiên thảo luận chiều nay, nhiều đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, thực tiễn cho thấy có những yếu tố tác động đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro, tăng tính khả thi trong thực hiện kế hoạch. Chính phủ cần quan tâm, xúc tiến triển khai hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để tăng cường, nâng cao năng lực công tác dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp

Nhấn mạnh sự thận trọng trong việc xác định mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) chia sẻ, thận trọng không phải là tự ti hay phức tạp hóa vấn đề mà là để giúp chúng ta có đủ sự tự tin, có được sự yên tâm cần thiết khi triển khai các giải pháp. Nhìn thẳng vào khó khăn, dự báo và nỗ lực xử lý những khó khăn cũng là một cách để hiểu rõ thêm và chung tay chia sẻ với Chính phủ, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các kế hoạch cụ thể. ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xúc tiến triển khai hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để tăng cường, nâng cao năng lực công tác dự báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)
Ảnh: Quang Khánh

Phân tích cụ thể kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2022 hiện đang dự kiến cao hơn năm 2021, đại biểu Lê Minh Nam cho biết, vừa qua một số trung tâm kinh tế, công nghiệp quan trọng có đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước lớn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thương mại, mất thị trường, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách nhà nước. Để khôi phục trạng thái ban đầu cũng cần có thời gian và lộ trình hàn gắn ngắn nhất định.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không chỉ đến thị trường tiêu thụ mà cả thị trường các yếu tố đầu vào. Những khó khăn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước cả khâu xuất nhập khẩu cũng như thu nội địa. Vì vậy, để quản trị tăng thu, bên cạnh các giải pháp cụ thể như xây dựng chính sách nuôi dưỡng, kích thích tăng trưởng nguồn thu, tháo gỡ vướng mắc bất cập, cải thiện công tác quản lý thu, đôn đốc truy thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, Chính phủ cần dự kiến phương án dự phòng để điều chỉnh cơ cấu, quy mô, huy động nguồn thu trong những tình huống phát sinh không mong đợi.

Tương tự, đối với dự toán chi ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu hạn chế nên rất cần đánh giá dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên để đảm bảo dự toán thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, xem xét những công trình, nội dung chi không cần thiết thì cắt giảm. Xếp thứ tự ưu tiên tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp bách. “Trường hợp khó khăn chúng ta phải chấp nhận cắt giảm mà chưa thực hiện những nhiệm vụ xếp thứ tự ưu tiên sau”, ông nói.

Đối với hệ thống các doanh nghiệp vừa trải qua thử thách đau đớn bởi sàng lọc tự nhiên sau đại dịch, tuy nhiên, theo đại biểu Lê Minh Nam, qua đó chúng ta cũng có cơ hội nhìn lại để cơ cấu, sắp xếp lại lĩnh vực, loại hình, quy mô của hệ thống doanh nghiệp, xương sống của nền kinh tế nhằm tạo lập nguồn thu ngân sách nhà nước một cách tích cực, đúng quy luật và bền vững. Theo đó, ông đề nghị cần tập trung đánh giá kỹ thực trạng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức để định hướng đầu tư, thiết lập cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo cơ cấu chọn lọc hợp lý, hiệu quả, bền vững gắn với lợi thế của Việt Nam. Chúng ta cũng cần xác định rõ thế mạnh và ưu thế là gì, cái nào cạnh tranh được, cái gì tự lực, tự cường để có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Cụ thể, ngoài tập trung quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Chính phủ cần quan tâm, tạo điều kiện phát triển những doanh nghiệp có thế mạnh, có năng lực hoặc nằm trong hệ thống ngành có lợi thế quốc gia hoặc gắn với tiềm năng, tiềm lực của quốc gia. Ví dụ, sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, lợi thế địa lý, điều kiện tự nhiên hoặc lợi thế bờ biển. Có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiếp cận với xu hướng phát triển hội nhập đi theo xu thế của thế giới như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để tạo điều kiện sáng tạo gắn với thế mạnh nguồn nhân lực cần cù, thông minh, ham học, giúp các doanh nghiệp phát triển để tăng trưởng cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững và hiệu quả.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn

Trong tổ chức thực thi các kế hoạch, theo đại biểu Lê Minh Nam, cần quan tâm đến khâu tổ chức thực hiện các cấp thực thi. Kế hoạch tổng thể của Trung ương thể hiện vĩ mô, tầm nhìn nhưng không thể thay thế kế hoạch tổ chức thực hiện cho các cấp thực thi. Về nguyên tắc, các bộ phận trực tiếp thực hiện phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh, thế mạnh cụ thể của đơn vị mình chứ không nêu chủ trương, nguyên tắc như cấp Trung ương. “Không phải là tất cả nhưng có điều kiện tiếp cận với một số kế hoạch cụ thể, tôi thấy vẫn còn coi trọng đề cập nguyên tắc, chủ trương mà chưa đưa ra nhiều được các mục tiêu, giải pháp lượng hóa cụ thể để bố trí nguồn lực thực hiện cũng như làm tiêu chí đánh giá kết quả. Nếu rập khuôn, thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo sẽ khó phát huy lợi thế, tiềm năng của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tập hợp sức mạnh đóng góp cho mục tiêu chung. Chính phủ cần quan tâm thêm đến khía cạnh này để kiểm soát, chấn chỉnh và khắc phục”, đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng)
Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến vấn đề thực thi, đại biểu Trần Chí Cường cũng cho rằng, cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương, đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo ra cơ chế, điều kiện để cán bộ tham mưu, đề xuất; lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tác động rất lớn của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu và khu vực, làn sóng dịch chuyển đầu tư, chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi thói quen,… đang đòi hỏi và đặt ra yêu cầu phải sáng tạo, lựa chọn cách làm và phương thức quản lý để giải quyết vấn đề phát sinh. Nhấn mạnh điều này, đại biểu TP Đà Nẵng đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để kiến tạo mô hình mới, thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19, ưu tiên thực hiện cơ cấu đối với  từng lĩnh vực kinh tế, từng ngành kinh tế để nâng cao khả năng đề kháng, vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho từng lĩnh vực, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Việc cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất cần gắn với phân bổ nguồn lực lao động, nhất là trong xu hướng dịch chuyển người lao động như đã diễn ra vừa qua, tạo cơ hội phát triển đồng đều hơn ở các cấp, địa phương.

Hồ Long