Càng khó khăn càng phải kiên định

- Thứ Hai, 09/08/2021, 05:32 - Chia sẻ
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) NGUYỄN VIẾT CHỨC chia sẻ, phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến của toàn dân tộc, đòi hỏi mỗi người dân phải kiên định, nhất tâm, cùng nhau đoàn kết chiến thắng đại dịch. Dù là già, trẻ, gái, trai phải coi mình như một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, góp sức mình trước hết là bằng việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Nhà nước.

Cuộc chiến của toàn dân tộc

- Thưa ông, lịch sử đấu tranh, bảo vệ đất nước cho thấy, đại đoàn kết toàn dân chính là sức mạnh nội sinh to lớn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Nay trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, ông có suy nghĩ như thế nào về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần thứ hai có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài?

- Dịch Covid-19 đã và đang trở thành cơn “ác mộng” đối với cả nhân loại, kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Trước bối cảnh đó, người đứng đầu Đảng ta đã ra lời kêu gọi kịp thời, cần thiết và đúng lúc. Lời kêu gọi khẳng định, phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến của cả dân tộc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đồng lòng, muôn người như một chiến thắng đại dịch. Đồng thời, cũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của Nhân dân, tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn “trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”. Dựa vào sức dân là bài học thấm thía và có giá trị trường kỳ, thưa ông?

- “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ bài học lịch sử nước ta - chính người dân là những người làm nên lịch sử. Trong an ninh, quốc phòng cũng phải dựa vào thế trận lòng dân. Suốt chiều dài lịch sử, Nhân dân ta đã làm nên nhiều kỳ tích, khiến cả thế giới khâm phục. Vì vậy, đúng như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, chúng ta “đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa”. Mỗi người chúng ta, không kể già, trẻ, gái, trai, đều phải tự coi mình là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. 

Một người vì mọi người

- Hơn 500 ngày phòng, chống dịch vừa qua, bên cạnh những mất mát, tổn thất, chúng ta cũng chứng kiến biết bao hình ảnh nhân văn, cao đẹp, thưa ông? 

- Là một người dân, tôi rất khâm phục lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, họ chính là "những chiến sĩ, những anh hùng trên mặt trận chống dịch, hết lòng hết sức vì sức khỏe, vì tính mạng của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết". Cùng với đó là những cán bộ chiến sĩ quân đội, công an đã nhiều tháng không được về nhà do phải canh gác nơi biên giới, giữ gìn an ninh trật tự cho Nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly… Những cán bộ cơ sở ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Họ đã hy sinh thầm lặng, luôn sẵn sàng xung phong đến nơi nguy hiểm để hỗ trợ cộng đồng.

Nhìn vào sự hy sinh đó, mỗi chúng ta phải gạt bỏ đi những hoài nghi, những lo lắng, băn khoăn về công tác phòng, chống dịch. Đừng đặt vấn đề, tại sao lại thế này, tại sao không thế kia. Ngay cả những quốc gia giàu hơn ta, mạnh hơn ta gấp nhiều lần cũng đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Trong lúc "nước sôi lửa bỏng", khó có thể tránh khỏi hạn chế, khiếm khuyết, nhưng chúng ta phải "kiên định, nhất tâm" theo đường lối, cách thức chống dịch mà Nhà nước đã và đang triển khai. Đừng “chưa làm đã ngã tay chèo, chưa làm đã nản lòng”. 

- Hơn lúc nào hết, trong đại dịch, chúng ta càng phải phát huy hơn nữa bài học đại đoàn kết, thưa ông? 

- Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Chống dịch không thể thành công nếu chỉ một người không tuân thủ đúng quy định, không khai báo y tế, chạy từ vùng có dịch sang vùng không có dịch, làm lây lan sang người khác. Cho nên, mọi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác một người vì mọi người, mọi người vì một người. Mỗi cá nhân hãy tự hỏi mình đã đóng góp được gì cho công tác phòng, chống dịch. Đơn giản nhất là thực hiện nghiêm thông điệp 5K "khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế" và ở các tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 thì không ra đường, không tiếp xúc, không tụ tập... đã là góp sức mình vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh. 

Đặc biệt, chúng ta hãy lan tỏa những hình ảnh đẹp, tình cảm giữa người với người, có người góp công, có người góp sức, từ những bó rau, đến vài trăm nghìn… giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong bối dịch bệnh. Khi khó khăn thì "nhường cơm, sẻ áo". Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta rất đáng trân quý, ngay cả bạn bè quốc tế cũng phải nể trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lời kêu gọi không chỉ trân quý sự cố gắng, nỗ lực của Nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái mà còn dành lời cảm ơn sâu sắc tới cộng đồng quốc tế đã đồng hành, ủng hộ, chung tay góp sức cùng Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch. Đó chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Không bao giờ quên những tình cảm, sự “chia lửa” của từng người dân và bạn bè quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện