Hệ thống y tế cơ sở

Căng mình chống dịch nơi tuyến đầu

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 23:10 - Chia sẻ
Mới đây Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành khu vực phía Nam và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh thí điểm cách ly F1 tại nhà và điều trị F0 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị F0. Cũng chính bởi vậy các đơn vị y tế cấp phường, xã, thị trấn phải đảm đương nhiều trọng trách với cường độ công việc tăng lên nhiều lần.

Đảm đương nhiều trọng trách

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã chuẩn bị mọi kế hoạch cách ly F1 tại nhà, giám sát bằng phần mềm quản lý và Tổ Covid-19 cộng đồng. Đối với F0, nếu không có triệu chứng sẽ được giám sát bằng công nghệ và có thể được điều trị tại cộng đồng; các F0 có triệu chứng và bệnh nền cần được chuyển đến cơ sở điều trị. TP. Hồ Chí Minh cũng xây dựng cơ chế phối hợp để cách ly F0 tại nhà bảo đảm kịp thời ứng phó khi có sự cố.

Ghi nhận tại quận Tân Bình, người dân được hướng dẫn mua các vật dụng cần thiết cho F1 cách ly tại nhà với hơn 12 loại cần thiết. F1 hay F0 ở nhà khi có triệu chứng đều phải đưa đi cách ly tập trung, có gì xử lý luôn tại khu cách ly. Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Bình, nhân viên y tế của các phường hiện nay phải đến nhà lấy mẫu F1, giám sát F1, đi lấy mẫu động đồng... Không chỉ thiếu nhân lực mà sức khỏe của lực lượng y tế phường cũng ảnh hưởng rất nhiều vì phải đảm đương nhiều việc một lúc. Điều này khiến hiệu quả công việc có thể chưa đạt như mong muốn.

Thực tế ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, không chỉ ở quận Tân Bình mà lực lượng y tế cơ sở tại nhiều phường, xã, quận, huyện khắp nơi trong thành phố phải tranh thủ từng phút để làm việc gấp đôi, gấp ba và thậm chí là gấp nhiều lần. Việc tăng cường quân số trong đợt dịch cho đội ngũ này đang được UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét và lên kế hoạch cụ thể.

Lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong cách ly tại nhà

Tăng cường thêm nhân sự

Chia sẻ với những khó khăn của lực lượng y tế cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc đưa các trường hợp F0 xuất viện trở về theo dõi tại nhà cũng là khó khăn đối với hệ thống y tế cơ sở của  TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. 

“Các F0 có thể không gặp vấn đề về sức khỏe, diễn biến lâm sàng như sốt, ho, khó thở, nhưng có thể một số trường hợp cần được hỗ trợ về tâm lý, tinh thần. Do đó, cùng với lực lượng y tế, các đội Covid-19 cộng đồng, tổ dân phố không chỉ giám sát họ về tuân thủ cách ly tại nhà mà còn tham gia động viên, tinh thần, hỗ trợ F1, F0 giúp họ thăng bằng về tâm lý hoặc vượt qua một số khó khăn trong cuộc sống. Đây được coi là khối lượng công việc tương đối lớn” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Cụ thể hơn, trước lo ngại nhân viên y tế ở các trạm y tế sẽ bị quá tải khi nhận thêm nhiệm vụ giám sát F1 cách ly tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ các trạm y tế và trung tâm y tế cấp quận, huyện; bên cạnh đội truy vết của các bệnh viện còn có lực lượng từ các Đại học Y và Bộ Y tế bổ sung. “Mỗi nhiệm vụ đều tăng cường các đội hỗ trợ, như quận Bình Tân tăng cường 460 cán bộ, sinh viên, lực lượng tình nguyện; quận 1 là 100 người và quận 3 là 80 người” - ông Nam nói.

Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ 10.000 cán bộ nhân viên y tế từ các tỉnh, thành tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, ngành y tế điều phối nhân viên tập trung cho công tác lấy mẫu, điều tra truy vết, phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, bệnh viện hồi sức.

Cũng theo ông Nam và một số chuyên gia khác, việc cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 sau đó cho phép cách ly tại nhà với sự tham gia của y tế cơ sở hiện có là có thể đáp ứng được. Các nhân lực theo dõi y tế cho các F1, F0 có thể huy động được vì không đòi hỏi cao về chuyên môn. Tuy nhiên, y tế cơ sở cần có hệ thống kết nối tốt với hệ thống vận chuyển, các bệnh viện tiếp nhận điều trị, để trong tình huống F1 hoặc F0 có diễn biến nặng được chuyển điều trị kịp thời.

Tùng Dương