Israel - Palestine

Căng thẳng muôn thủa

- Thứ Tư, 12/05/2021, 06:22 - Chia sẻ
​​​​​​​Các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và thường dân Palestine gần đây liên tục leo thang ở phía Đông Jerusalem. Mới đây nhất, hôm 10.5, ít nhất 180 người bị thương. Những mâu thuẫn nội tại và dai dẳng trong quá khứ dường như đang bùng lên dữ dội, nhất là trong bối cảnh các bên vẫn phải vận lộn với đại dịch Covid-19.
		Nguồn: AP
Nguồn: AP

Bạo lực leo thang

Ngày 10.5 được ví là ngày giận dữ và bạo lực khi Israel kỷ niệm “Ngày Jerusalem” đánh dấu việc nước này chiếm được Đông Jerusalem trong cuộc chiến giữa người Ảrập và Israel năm 1967. Quân đội Israel cho biết, ít nhất 150 quả rocket đã bắn về phía Israel từ Dải Gaza, trong đó 6 quả rocket nhắm mục tiêu vào Jerusalem, kích hoạt hệ thống báo động khắp nơi. Đây là lần đầu tiên thành phố này bị nhắm mục tiêu kể từ cuộc chiến năm 2014. Trước đó, tối 7.5, hơn 200 người đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine gần khu đền thờ Al-Aqsa, nơi hàng chục nghìn tín đồ đổ xô đến đây vào ngày thứ Sáu cuối cùng của mùa lễ Ramadan.

Thực ra, căng thẳng ở Đông Jerusalem bùng phát mạnh từ tháng 4 khi người Palestine biểu tình phản đối cảnh sát Israel ngăn không cho họ vào Thành cổ Jerusalem (Old City), trong đó có nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, trong tháng diễn ra lễ Ramadan của người Hồi giáo. Người Palestine coi đây hành vi hạn chế quyền tự do tụ họp, trong khi phía cảnh sát Israel cho rằng đó là biện pháp duy trì trật tự. Ngoài ra, họ cũng tức giận vì các nhà chức trách Israel trục xuất một số người Palestine ra khỏi nhà để nhường chỗ cho người định cư Israel. Thực tế, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ đụng độ kể từ đầu năm nay, khi tòa án vùng Jerusalem ra phán quyết ủng hộ người định cư Do Thái, những người đòi khu đất ở Sheikh Jarrah mà đang là nhà của nhiều gia đình Palestine.

Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa nằm trong một quần thể trên đỉnh đồi, là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi và linh thiêng nhất trong đạo Do Thái. Thực tế, căng thẳng tại địa điểm, được người Hồi giáo gọi là “Thánh địa cao quý” và người Do Thái gọi là Núi Đền, đã gây ra nhiều đợt bạo lực lặp đi lặp lại trong quá khứ.

Thế giới lo ngại

		Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trước diễn biến căng thẳng giữa Israel và Palestine, ngày 10.5 Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc đã phải tổ chức một cuộc thảo luận kín về tình hình tại Đông Jerusalem theo đề nghị của gần 70% trong tổng số 15 nước thành viên của HĐBA, gồm Việt Nam, Tunisia, Ireland, Trung Quốc, Estonia, Pháp, Na Uy, Niger, Saint Vincent & Grenadines. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thể hiện quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Đông Jerusalem, cho rằng nếu không có bước đi cụ thể, căng thẳng hiện tại rất có thể gia tăng và chu kỳ bạo lực có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Ông khẳng định, Việt Nam lên án mọi hành vi bạo lực và việc sử dụng vũ khí sát thương không cần thiết nhằm vào dân thường, và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động, phát ngôn làm phức tạp thêm tình hình.

Ngoài HĐBA Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ảrập (AL) cũng tổ chức phiên họp bất thường ở cấp độ đại diện thường trực tại Cairo, Ai Cập, ngày 10.5, theo yêu cầu của Palestine dưới sự chủ trì của Qatar, Chủ tịch đương nhiệm của AL, để bàn cách giải quyết xung đột.

Hôm 9.5, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel “kiềm chế tối đa và tôn trọng quyền tự do tụ họp một cách hòa bình”. Người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, ông Guterres đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình bạo lực hiện nay ở Đông Jerusalem, cũng như khả năng các gia đình Palestine bị buộc phải rời khỏi Sheikh Jarrah. Ông Guterres hối thúc Israel dừng kế hoạch trên, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và tôn trọng nguyên trạng các khu vực linh thiêng tại Đông Jerusalem.

Trước đó, ngày 8.5, cả bốn thành viên nhóm Bộ Tứ Trung Đông gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc thể hiện lo ngại trước tình trạng bạo lực ở Jerusalem. Tuyên bố của Bộ Tứ kêu gọi “các cơ quan chức năng của Israel kiềm chế và tránh triển khai những biện pháp có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang hơn nữa trong những ngày lễ của người Hồi giáo”. Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nhắc lại cam kết của nhóm Bộ Tứ Trung Đông đối với giải pháp hai nhà nước để giải quyết xung đột giữa Israel - Palestine.

Trong cuộc điện đàm mới đây với Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan bày tỏ lo ngại đối với các cuộc đụng độ bạo lực diễn ra ở Jerusalem, nhất là việc các gia đình Palestine có khả năng bị trục xuất ra khỏi khu vực Sheikh Jarrah. Mặc dù vậy, Mỹ cũng cho rằng việc phóng tên lửa và bom khí cầu từ Dải Gaza về phía Israel là không thể chấp nhận được và phải bị lên án.

Các nước Trung Đông cũng phản ứng gay gắt trước căng thẳng Israel - Palestine. Quốc hội Ai Cập thậm chí lên án việc các gia đình Palestine bị ép rời khỏi nhà là hành động “vi phạm các hiệp ước quốc tế và các nghị quyết về tính hợp pháp quốc tế”. Jordan thì triệu Đại biện của Đại sứ quán Israel tại Amman để phản đối những hành động làm gia tăng căng thẳng, coi chúng trái với luật pháp quốc tế cũng như sự nguyên trạng về mặt lịch sử và pháp lý của địa điểm tôn giáo này.

Bộ Ngoại giao Syria lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến sự nghiệp của người Palestine. Còn Bộ Ngoại giao Libya chỉ trích hành động của lực lượng an ninh Israel nhằm vào người Palestine, khiến căng thẳng leo thang, gây hậu quả nghiêm trọng và làm xói mòn khả năng đạt được nền hòa bình toàn diện trong khu vực. Iran, Iraq kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để Israel chấm dứt những hành động vi phạm…

Trước phản ứng đồng loạt của cộng đồng quốc tế, phát biểu trước báo giới gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn lên tiếng bảo vệ cách thức phản ứng của nhà nước Do Thái trước các cuộc biểu tình của người Palestine ở Đông Jerusalem: “Chúng tôi sẽ bảo vệ luật pháp và trật tự - một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm”. Tuy nhiên, ông cũng cam kết sẽ bảo về quyền tự do tín ngưỡng.

Ngọc Minh tổng hợp