Cảnh giác với lạm phát

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:27 - Chia sẻ
Hầu hết các bên đánh giá kinh tế đồng thuận về xu hướng giá cả sẽ duy trì ở mức thấp liên tục thời gian tới. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại. Chuyên gia Axel A. Weber, nguyên thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng chung châu Âu, đồng thời là Chủ tịch Ban Giám đốc ngân hàng UBS đã có bài viết phân tích về vấn đề này.

Xu hướng lạm phát giảm?

Dự báo hiện tại của nhiều ngân hàng, ngân hàng Trung ương và các tổ chức kinh tế cho thấy lạm phát sẽ không phải vấn đề trong tương lai gần. Ví dụ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo​​lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm cho đến khi kết thúc năm 2025.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ dự đoán cho đến tháng 5, ​​lạm phát cả năm của Mỹ sẽ tăng hơn 3% và ở khu vực đồng euro là 2%, nhưng mức tăng này phần lớn do tỷ lệ lạm phát đã xuống mức khá thấp trong nửa đầu năm 2020, bắt nguồn từ các biện pháp đóng cửa nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Do đó, các cơ quan dự báo tin rằng, tỷ lệ này không cho thấy áp lực lạm phát gia tăng và chưa đáng lo ngại.

Nhưng trên thực tế, các mô hình dự báo từ lâu đã nổi tiếng là thiếu chính xác trong dự đoán về lạm phát, và Covid-19 với những hệ quả khó lường, càng làm phức tạp thêm thách thức này. Trong khi các nhà dự báo kinh tế sử dụng dữ liệu từ 50 năm qua để giải thích và dự đoán các xu hướng kinh tế, thì giờ đây xuất hiện những biến số kinh tế chưa có tiền lệ. Vì vậy, có thể dễ dàng tin vào các dự báo cho rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong 3 - 5 năm tới?

Nhiều nhà kinh tế ngược lại cho rằng, hệ quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là lạm phát mà sẽ là giảm phát, vì các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch đã ảnh hưởng bất lợi đến tổng cầu nhiều hơn so với tổng cung. Trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng, điều này thực sự đã được chứng minh, ví dụ tháng 4.2020, giá dầu đã giảm mạnh, thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0 USD/thùng.

Nhưng nhìn chi tiết về cung và cầu cho thấy một bức tranh nhiều sắc thái hơn. Đặc biệt, đại dịch đã khiến nhu cầu của con người dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa, và nhiều mặt hàng trong số đó trở nên đắt đỏ hơn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, quá trình sản xuất và vận chuyển.

Lý do để quan ngại

Trong tính toán giá tiêu dùng hiện nay, giá hàng hóa tăng được bù đắp một phần bởi giá dịch vụ giảm, như vé máy bay. Nhưng trên thực tế, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập khiến nhu cầu tiêu dùng nhiều dịch vụ giảm mạnh, trong đó nhu cầu đối với dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch đã giảm nghiêm trọng. Do đó, giỏ tiêu dùng thực tế của nhiều người trở nên đắt hơn so với giỏ tiêu dùng mà cơ quan thống kê sử dụng để tính toán lạm phát. Vì vậy, tỷ lệ lạm phát thực thường cao hơn số liệu chính thức, như các báo cáo đã xác nhận.

Bên cạnh đó, trong trường hợp đại dịch cơ bản được khống chế và các chính phủ trên thế giới dỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại hay hạn chế tụ tập, lạm phát dịch vụ sẽ có nguy cơ tăng lên do cung không đủ đáp ứng cầu. Việc một loạt nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa vĩnh viễn thời gian qua, hay các hãng hàng không phải sa thải nhân viên hàng loạt, sẽ khiến họ rơi vào tình trạng quá tải khi được khởi động trở lại, và điều này có thể dẫn tới giá cả tăng cao.

Các biện pháp mở rộng tài khóa và tiền tệ chưa từng có mà các chính phủ đưa ra nhằm kích thích nền kinh tế cũng là một nguy cơ lớn đối với lạm phát. Theo ước tính của UBS, tổng thâm hụt ngân sách của các chính phủ lên tới 11% GDP toàn cầu vào năm 2020, gấp hơn ba lần mức trung bình của 10 năm trước. Bảng cân đối của các ngân hàng trung ương thậm chí còn tăng nhiều hơn vào năm ngoái, bằng 13% GDP toàn cầu.

Các chính phủ đã bù đắp mức thâm hụt này của năm 2020 bằng cách phát hành tiền mới. Nhưng điều đó sẽ chỉ hiệu quả nếu có đủ nhà đầu tư sẵn sàng giữ tiền và trái phiếu chính phủ với lãi suất bằng 0 hoặc dưới 0. Trong trường hợp các nhà đầu tư, hoặc người tiết kiệm nghi ngờ về tính an toàn của những khoản đầu tư này và chuyển sang các tài sản khác, thì đồng nội tệ của nước đó sẽ suy yếu, dẫn đến giá tiêu dùng gia tăng. Lịch sử đã cho thấy, nợ chính phủ quá mức hầu như luôn kết thúc với lạm phát cao do thị trường mất niềm tin. Tình trạng này sẽ càng trở nên trầm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng...

Thay đổi nhân khẩu học, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 8 năm ngoái đã cho phép lạm phát tăng mạnh hơn bình thường (trên 2%) để hỗ trợ thị trường lao động, là những yếu tố có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong dài hạn.

Hệ quả của lạm phát

Lạm phát tăng mạnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Để kiềm chế, các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất, điều này sẽ gây ra khó khăn tài chính đối với các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đang mắc nợ cao. Trong lịch sử, các ngân hàng trung ương hầu như không thể chống lại áp lực của chính phủ trong việc duy trì ngân sách. Điều này thường dẫn đến tỷ lệ lạm phát rất cao, kèm theo tổn thất lớn về giá trị thực của hầu hết các loại tài sản. Hệ quả là những biến động chính trị và xã hội.

Những tháng gần đây, giá cả hàng hóa, chi phí vận tải quốc tế, chứng khoán, Bitcoin đều tăng mạnh, trong khi đồng đô la Mỹ mất giá đáng kể. Đây có thể là những dấu hiệu báo trước về việc giá tiêu dùng ở khu vực đồng đô la sẽ gia tăng, yếu tố sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá trên toàn thế giới.

Chuyên gia Axel A. Weber cho rằng, hầu hết các cơ quan dự báo kinh tế đang đánh giá thấp nguy cơ lạm phát, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa, cũng như người gửi tiết kiệm và nhà đầu tư, cần cảnh giác trước sự lạc quan này. Năm 2014, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan dự đoán rằng lạm phát cuối cùng sẽ gia tăng và ông chỉ trích bảng cân đối kế toán của FED là “một đống rác”. Còn ông Axel A. Weber cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể sẽ trở thành tia sét thiêu đống rác này thành tro.

Theo PS

Đạt Quốc