Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 06:08 - Chia sẻ
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 12.000ha rừng dễ cháy ở 12 địa phương, chủ yếu là rừng thông, keo lá tràm, rừng tự nhiên nghèo kiệt. Năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 51 điểm phát lửa (14 điểm/8 huyện gây cháy rừng với 59,7ha bị cháy không có khả năng phục hồi…). Bước vào mùa nắng nóng năm nay, dự báo nắng sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng nên nguy cơ cháy, cháy lớn rất dễ xảy ra trên tất cả các loại rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hoàng Quốc Huấn cho biết: Với phương châm lấy công tác phòng ngừa là chính, chữa cháy rừng phải kịp thời, hiệu quả, Chi cục đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng. Theo đó, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng vị trí; kiện toàn tổ, đội xung kích chữa cháy rừng để sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; lắp camera giám sát lửa rừng tại một số địa phương...

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến cháy và giảm thiểu số vụ, thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công văn số 2972/UBND-NL4 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách PCCC rừng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCCC rừng; thông báo cấp cảnh báo cháy rừng liên tục hàng ngày và các hành vi nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong và ven rừng… trong thời gian cao điểm nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV - V để người dân biết, phòng ngừa. Trong trường hợp có cháy rừng xảy ra, phải chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng để xử lý nghiêm, đồng thời xem xét trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ rừng chủ động kiểm tra, rà soát phương án PCCC rừng năm 2021 đã xây dựng; bổ sung, nghiên cứu kịp thời các tồn tại, bảo đảm sát thực tế, có tính khả thi cao; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, tu sửa các công trình PCCC rừng, xử lý thực bì... bảo đảm sẵn sàng đưa vào sử dụng có hiệu quả. UBND tỉnh cũng giao Sở NN - PTNT phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện phương án PCCC rừng tại các địa phương, đơn vị; xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy rừng trên địa bàn… Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương.

Thời tiết nắng nóng, hanh khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động ngăn chặn ngay từ đầu các nguy cơ để giảm thiểu tối đa thiệt hại từ các vụ cháy rừng. 

Hải Phong