Nhà ở cho công nhân

Cấp thiết hơn bao giờ hết...

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 11:28 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 575 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố, thu hút hàng triệu lao động. Tuy nhiên hầu hết các khu công nghiệp chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động.

Phản ánh rõ hơn về tình trạng này, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc đầu tư hạ tầng xã hội tại khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ; nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu. Nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp chưa được đầu tư như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám...

Còn từ thực tế địa phương, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 9 khu công nghiệp nhưng chỉ có 4 khu công nghiệp có thể đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân và tổng số nhà ở công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là dẫn đến tình trạng này là do hơn 20 năm trước, khi triển khai phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, việc đầu tư mới chỉ quan tâm, chú trọng đến hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất như nhà xưởng, nhà kho, hoạt động logistic…

Thiếu nhà ở, thiếu các thiết chế cần thiết cho công nhân là thực tế không thể phù nhận tại hầu hết các địa phương có thế mạnh về thu hút đầu tư. Đây là nghịch lý bởi khi người lao động được quan tâm về đời sống tinh thần, phúc lợi, việc làm thì mới cống hiến bền vững cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng từ đó mới ổn định được sản xuất, kinh doanh và có lợi nhuận.

Vậy nên đến thời điểm hiện nay, khi nhu cầu nhà ở công nhân đã trở thành vấn đề bức thiết thì điều quan trọng là phải có cơ chế tháo gỡ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về cơ chế, chính sách khi triển khai xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Tán thành với việc này, theo đại diện một doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy xây dựng nhà ở cho công nhân, cũng như giảm thủ tục hành chính trong triển khai thủ tục pháp lý để hình thành khu công nghiệp.

Đại diện Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng cần có chính sách đồng bộ để xây dựng nhà ở công nhân. Cụ thể, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Quốc hội nên xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có thể bổ sung gói hỗ trợ để thực hiện. Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê. Theo đó, quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê, bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở; có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động thuận tiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn...

Phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Vì chỉ khi người lao động được quan tâm, bảo đảm về đời sống tinh thần, phúc lợi cũng như công việc thì mới yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp...

Ninh Khương