Chấm dứt ban hành văn bản trái pháp luật!

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 06:26 - Chia sẻ
Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 3.393 văn bản, đã phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung và 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ra tại Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Ban hành văn bản có quy định trái pháp luật cho thấy việc ban hành văn bản vẫn còn “lỗ hổng”. Câu hỏi đặt ra là, để xảy ra tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm thế nào?

Sự thống nhất của hệ thống pháp luật sẽ giúp cho người thực thi, đối tượng chịu sự tác động dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện và tuân thủ. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản phải bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cùng với đó là phải bảo đảm tính khả thi cao. Các quy định pháp luật có “tuổi thọ” cao, mới thực sự tạo được hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho kinh tế - xã hội phát triển. Mặc dù kết quả ban hành văn bản thời gian qua của chúng ta đã có những bước tiến mới, có nhiều quy định tiến bộ, kịp thời và tính khả thi cao, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những “hạt sạn”.

Dù không nhiều, nhưng tình trạng văn bản luật một đằng, hướng dẫn chi tiết một nẻo đã từng xảy ra. Trong báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tám) của Tổng Thư ký Quốc hội cho thấy, qua giám sát vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong đó, 8 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội; 7 nghị định và 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật. Trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng cho thấy, có 15 nội dung quy định trong 27 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo...

Việc ban hành văn bản trái pháp luật không chỉ tạo nên những điểm “vênh” của hệ thống pháp luật mà còn tác động xấu đến xã hội, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm. Ngoài ra, không loại trừ lợi ích được “cài cắm” từ trong các văn bản được ban hành trái pháp luật này. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời những “góc khuất” trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản này, sẽ làm cho chính sách bị méo mó, có thể chỉ nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, hoặc chỉ hướng tới “lợi ích nhóm” nào đó, gây mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các quy định pháp luật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản trái pháp luật. Có thể do năng lực còn hạn chế của những người trực tiếp tham gia soạn thảo, ban hành văn bản. Có thể do người đứng đầu chịu trách nhiệm chưa thực sự quan tâm đến công tác này… Cử tri và dư luận đặt câu hỏi, việc xử lý văn bản trái pháp luật như thế nào? Đã rõ trách nhiệm, đã xử lý nghiêm minh chưa?

Với 69 văn bản ban hành trái pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ rõ những văn bản này là văn bản nào, chỉ rõ địa chỉ; phải đánh giá được hậu quả của việc ban hành văn bản trái pháp luật như thế nào? Cùng với đó, phải chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xảy ra tình trạng này, xử lý trách nhiệm vấn đề này thế nào?

Kỷ luật, kỷ cương lập pháp được siết chặt sẽ không có chỗ cho những văn bản trái pháp luật. Muốn vậy, phải bắt đầu siết từ chất lượng soạn thảo. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, ngành, cơ quan thẩm định đủ trình độ, năng lực chuyên môn, am hiểu luật pháp. Cùng với đó là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm giải trình về vấn đề này. Trong các báo cáo phải chỉ rõ được địa chỉ, phải chỉ ra được cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Trên cơ sở đó mới có căn cứ để xử lý nghiêm trách nhiệm những người để lọt những văn bản trái pháp luật. Tránh tình trạng báo cáo chung chung, trách nhiệm chung chung, “huề cả làng”. Có như vậy, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật mới sớm được chấm dứt.

Song Hà