Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em

- Thứ Ba, 01/12/2020, 22:28 - Chia sẻ
Ngày 1.12, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tọa đàm “Bữa sáng ruy băng trắng lần thứ 6 – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em”.
Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn - Ảnh 2.
Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn 

Sự kiện nhằm thúc đẩy sự hợp tác của các cá nhân và các bộ ban ngành trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bạo lực gây ra, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em, mà còn gây tổn thất lớn cho nam giới, và đặc biệt là đến nền kinh tế quốc gia và an sinh xã hội.

Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam khẳng định: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không chỉ phụ nữ lao động di cư mà tất cả xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Không còn sợ hãi và lo lắng vì nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng, phụ nữ lao động di cư có thể làm việc năng suất, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế của gia đình, xã hội.”

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2017 có khoảng hơn 520,000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia/ lãnh thổ trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2016, Việt Nam đã có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 37% là lao động nữ.

Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên khi cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới cho thấy 24,5% vụ việc liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư.

Trong số 1.400 phụ nữ, trẻ em tạm lánh tại 3 Ngôi nhà Bình yên có 400 phụ nữ di cư quốc tế, trong đó 66.2% bị bóc lột tình dục, bị xâm hại tình dục; 13,46 % phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt, có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Ngôi nhà Bình yên cho biết ngoài rào cản ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp, hành trình phụ nữ di cư lao động phải đối mặt với rất nhiều thách thức bao gồm: không có cơ hội tiếp cận các kênh chính thức đi làm việc ở nước ngoài, không có cơ hội được tìm hiểu các quyền của phụ nữ lao động di cư tại nước đến, vai trò của tổ chức hỗ trợ người lao động, thông tin, kỹ năng để có thể phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân để phòng tránh mua bán người và bạo lực giới.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trường đại diện UN Women Việt Nam cho biết: “Lao động nữ di cư đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong toàn bộ chu trình di cư của họ. Phụ nữ di cư thường rất khó tiếp cận các hỗ trợ cần thiết do những rào cản về ngôn ngữ, tình trạng di cư hoặc bị kiểm soát. Để giải quyết những thực trạng, mỗi ngành cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong ứng phó với các hình thức bạo lực phụ nữ, trẻ em và mua bán người”.

Lê Hùng