Tuyên truyền để người lao động hiểu được lợi ích lâu dài của BHXH

- Thứ Tư, 10/11/2021, 16:47 - Chia sẻ
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từ điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi, giải pháp nào để người lao động không bán Sổ BHXH, chính sách thu hút người lao động tham gia BHXH và tạo động lực cho người lao động?.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ  Chí  Minhh) chất vấn từ  điểm cầu Đoàn ĐBQH TP. Hồ  Chí  Minhh. Ảnhh: NHật  Phương
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Phương)

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc bán Sổ BHXH thời gian qua thực chất là người lao động đang tham gia BHXH sau đó rút BHXH để hưởng chính sách BHXH một lần và ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do nào đó đã nhượng lại sổ BHXH cho người khác đi lĩnh. Theo Bộ trưởng, cần giảm mức hưởng BHXH một lần. Bởi, từ đầu năm 2021 đến nay có 870 nghìn người đã rút sổ BHXH, so với năm 2020 con số này tăng rất nhiều. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó do đời sống khó khăn, dịch bệnh…

Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng có 3 giải pháp căn cơ. Một là phải chăm lo cho người lao động. Bởi, phần đa rút sổ BHXH và bán sổ BHXH rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, có hoàn cảnh éo le… Do đó, để giải quyết tận gốc tình trạng này, thì phải nâng cao đời sống người lao động. Chỉ khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì sẽ không bán sổ BHXH.

Hai là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để người lao động hiểu về sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, để có khoản lương hưu khi về già. 

Ba là, tiến hành tổng kết Nghị quyết số: 93/2015/QH13 để thực hiện Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, đó là vấn đề rút BHXH một lần. Đồng thời, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giải pháp căn cơ là sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện Bộ đã hoàn thành hồ sơ để đến năm 2022 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, thay vì hưởng BHXH một lần thì tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động, đơn cử ngoài việc hưởng tiền, còn được hưởng các lợi ích khác như tham quan, du lịch…

Trả lời chất vấn của đại biểu về vai trò, trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như thế nào trong việc trong việc xử lý, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em?, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quan điểm của các nước về vấn đề này rất khác nhau, với nước ta thì chưa có điều tra tổng thể về xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua UNICEF, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đang điều tra bước đầu ở một số nội dung cho thấy tỷ lệ xâm hại trẻ em ở Việt Nam tương đương với các nước ở châu Á.

Theo Bộ trưởng, Bộ Luật Hình sự đã có quy định về vấn đề này, nước ta cũng đã có Luật Trẻ em, gần đây Hội đồng Thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều của Bộ luật Hình sự về việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nhìn chung, hệ thống pháp luật quy định về vấn đề này tương đối đầy đủ, song một số quy định chưa cụ thể. Thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Công an, các ngành chức năng để bảo vệ, phát hiện sớm nhất, xử lý nghiêm minh nhất, chăm sóc hỗ trợ trẻ em tốt hơn.

Nhật Phương