Đổi mới chương trình, sách giáo khoa và chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

Chậm tiến độ ảnh hưởng đến sự công bằng

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:05 - Chia sẻ
Thiếu nguồn lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vấn đề được nhắc đi, nhắc lại tại hội thảo do Hội đồng Dân tộc tổ chức vừa qua. Nhiều đại biểu cho rằng, tiến độ thực hiện chậm còn ảnh hưởng đến sự công bằng và phù hợp đã được quy định rõ trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 như: cần có sách giáo khoa song ngữ cho tiểu học, tài liệu hướng dẫn dạy và học đáp ứng sự đa dạng vùng miền, vùng đồng bào dân tộc ít người, phương pháp giáo dục đặc thù…

Đem lại những thay đổi tích cực

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng là một nội dung căn bản, cốt lõi và nền tảng của đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện chủ trương đổi mới, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngày 21.11.2017, điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông.

Tại Hội thảo tham vấn, góp ý báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 trên vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, các đại biểu cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đủ điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, như: sách giáo khoa, sách giáo viên, tập huấn bồi dưỡng về chương trình, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá, thẩm định tài liệu giáo dục… Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng làm thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về mục tiêu giáo dục, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá học sinh.

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá, sau 2 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với bậc tiểu học và 1 năm thực hiện đối với  bậc trung học cơ sở đã đem lại thay đổi tích cực về chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn cử, tại tỉnh Lai Châu, kết quả giáo dục học sinh lớp 1 (năm học 2019 – 2020) hoàn thành xuất sắc là 29,7%, hoàn thành tốt là 16,7%, hoàn thành là 52,7%, chưa hoàn thành là 0,9%. Tỉnh Ninh Bình ghi nhận, các học sinh lớp 1 cơ bản nắm vững kiến thức, kỹ năng đọc, viết, nghe, nói; biết vận dụng kiến thức, kỹ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan. Học sinh dân tộc thiểu số ở Ninh Bình không gặp khó khăn trong việc tiếp nhận chương trình giáo dục phổ thông mới... Qua công tác kiểm tra, đánh giá của ngành giáo dục và dư luận phụ huynh, cơ bản học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới đáp ứng được yêu cầu cần đạt của Chương trình, có chiều hướng phát triển tốt hơn năng lực, phẩm chất học sinh, khả năng nghe, nói, viết tiếng Việt của trẻ dân tộc thiểu số lớp 1 đạt kết quả cao.

Ảnh: Hoàng Ngọc

Còn nhiều khó khăn và lúng túng

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, Chương trình, sách giáo khoa mới đặt ra yêu cầu rất cao, nên việc triển khai thực hiện ở địa phương còn nhiều khó khăn và lúng túng. Đại diện các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham dự Hội thảo như Điện Biên, Đắk Nông, Hà Giang cho biết, một số chính sách được ban hành nhưng chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Ví dụ như Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn học tiếng dân tộc, nhưng đến nay vẫn chưa có sách giáo khoa, sách giáo viên để các địa phương triển khai thực hiện. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên vùng sâu, vùng xa là rất khó, biên chế giáo viên thiếu, trong khi đó, chưa có giáo viên có trình độ đại học cho một số môn học như ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật. Mặc dù hiện nay đã có chính sách khuyến khích, song chưa đủ hấp dẫn để giáo viên về bản. Đáng lưu ý, nhiều điểm trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thể có nhiều phòng học và trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu của Chương trình, sách giáo khoa mới như các tỉnh, thành phố lớn được.

Một số đại biểu dẫn chứng thêm, các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn đang phấn đấu kiên cố hóa trường học, chủ trương đặt ra thì đúng, trúng nhưng nguồn lực chưa đáp ứng, mô hình thư viện cũng không thể bảo đảm đồng bộ như đô thị, thành thị. Hay trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh đại dịch, không thể đến trường, có nơi có máy tính bảng thì không có sóng, nơi có sóng thì không có máy tính bảng, nơi thiếu cả hai, gây trở ngại đến quá trình học tập và phát triển toàn diện của các em.

Thiếu nguồn lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề được nhắc đi, nhắc lại tại Hội thảo kể trên của Hội đồng Dân tộc. Nhiều đại biểu cho rằng, tiến độ thực hiện chậm còn ảnh hưởng đến sự công bằng và phù hợp đã được quy định rõ trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 như: cần có sách giáo khoa song ngữ cho tiểu học, tài liệu hướng dẫn dạy và học đáp ứng sự đa dạng vùng miền, vùng đồng bào dân tộc ít người, phương pháp giáo dục đặc thù, các điều kiện bảo đảm thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới… Do một số nội dung chưa được thực hiện tốt, gây ra những khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và cao hơn nữa là sự nghiệp đổi mới giáo dục chỉ có thể thực hiện được mục tiêu đề ra khi giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được mục tiêu. Nhấn mạnh điều này, các đại biểu đề nghị cần bảo đảm các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chất lượng và hiệu quả. Các điều kiện chủ yếu là chương trình, sách giáo khoa và tài liệu phải mang tính đặc thù vùng miền và bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng, công nghệ thông tin... Chú trọng ưu tiên các điều kiện thực hiện giáo dục thích ứng với các bối cảnh thiên tai, dịch bệnh khác nhau ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, những kiến nghị của đại biểu tại Hội thảo sẽ được Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo. Trên cơ sở đó, khuyến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương có các giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Anh Thảo