Chấn chỉnh hoạt động công chứng

- Thứ Ba, 24/11/2020, 07:04 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và 55 Hội Công chứng viên đã được thành lập với 2.709 công chứng viên đang hành nghề tại 1.186 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1.068 văn phòng công chứng. Hơn 10 năm xã hội hóa hoạt động công chứng đã ứng nhu cầu công chứng của xã hội; đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Công chứng, Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29.12.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” cho thấy, đã xuất hiện tình trạng, hiện tượng chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển nghề công chứng. Trong đó, điển hình là văn phòng công chứng được thành lập không căn cứ vào nhu cầu công chứng; việc chuyển trụ sở văn phòng công chứng từ các huyện vào trung tâm các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh…

Đó là chưa kể đến, chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội…

Kết quả 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 cũng cho thấy, có không ít sai phạm trong hoạt động công chứng. Đơn cử, ở Nghệ An, từ năm 2015 - 2019, Sở Tư pháp đã tiến hành thanh, kiểm tra 70 lượt tổ chức hành nghề công chứng; giải quyết 7 vụ khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính 19 trường hợp. Trong đó, xử lý 8 trường hợp vi phạm hành chính đối với công chứng viên và 11 trường hợp đối với tổ chức hành nghề công chứng.

Hay, ở Đà Nẵng trong quá trình thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng, Sở Tư pháp phát hiện rất nhiều hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực công chứng như: không điền đầy đủ thông tin trong phiếu yêu cầu công chứng; công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu chung đối với tài sản khi tham gia giao dịch…

Một ví dụ khác, ở Bắc Ninh việc công chứng ngoài trụ sở trái quy định pháp luật diễn ra khá phổ biến, nhất là việc công chứng các hợp đồng thế chấp tại các ngân hàng. Thậm chí có ngân hàng còn cho phép nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng đặt bàn giao dịch, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng và cho các bên ký kết vào hợp đồng, giao dịch để công chứng ngay tại trụ sở ngân hàng, không có sự chứng kiến của công chứng viên.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng. Trong đó, đề ra 4 giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động công chứng. Ngoài câu chuyện hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho hoạt động công chứng phát triển ổn định, bền vững… thì một giải pháp quan trọng là phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện.

Để làm được điều này, ngành tư pháp cần thực hiện đúng tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng - tức là thẩm định đúng, đủ chất lượng đầu vào. Liên quan đến vấn đề này, hầu hết các địa phương đã ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập văn phòng công chứng nhằm tránh tình trạng phá vỡ “quy hoạch mạng lưới” các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng đã đầy đủ. Ngoài Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn còn có nghị quyết của Chính phủ, vậy vấn đề đặt ra là tổ chức triển khai đến đâu? Những vi phạm trong lĩnh vực công chứng được xử lý như thế nào? Bởi, hoạt động công chứng luôn tiềm ẩn những rủi ro và những rủi ro này có thể thấy được nhưng có những rủi ro phải nhiều năm sau mới phát hiện được, khó tính được hậu quả. Vì vậy, bên cạnh việc xử lý đúng, công khai nhưng vi phạm của tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên thì việc thanh kiểm tra cũng cần được quan tâm.

Phạm Hải