Chấn chỉnh thương mại hóa và bạo lực trong lễ hội

- Thứ Bảy, 19/01/2019, 08:02 - Chia sẻ
Năm 2019 tiếp tục hướng tới ngăn chặn lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; khắc phục tình trạng bạo lực gây phản cảm tại một số lễ hội; đồng thời, khuyến khích phục dựng những giá trị truyền thống, nhận diện đúng giá trị lễ hội, góp phần phát huy giá trị văn hóa, giữ gìn bản sắc các dân tộc.

Văn minh, bảo đảm an toàn lễ hội

Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019 chiều 18.1, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết: Hoạt động lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, những tồn tại, hạn chế mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, vẫn còn xảy ra hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Long An); lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc); Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông, Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ)... Còn tình trạng khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích; đốt vàng mã, đồ mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn.


Tình trạng bạo lực tại các lễ hội sẽ được tập trung khắc phục  Nguồn: ITN

Với một số lễ hội có tình trạng chen lấn, xô đẩy, bạo lực gây phản cảm, trong mùa lễ hội 2019, các địa phương đã lên phương án khắc phục. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Việt Trung: “Đối với lễ hội Phết Hiền Quan, thu hút sự tham gia của hàng nghìn người và trong những năm gần đây có xảy ra hiện tượng tranh giành, xô đẩy, bạo lực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tam Nông, chỉ đạo xây dựng Đề án Đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội này trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Điểm mới năm 2019 là lực lượng tham gia đánh phết gồm 2 đội, mỗi đội 50 người tượng trưng cho giáp Thượng và giáp Hạ. Khu vực sân đánh phết với diện tích khoảng 1.000m2 được bố trí 4 cây nêu làm ranh giới tranh phết, khi quả phết được đưa vào vòng cắm cây nêu, quả phết thuộc về người thắng cuộc. Quanh sân phết có bố trí 4 lớp hàng rào bằng cọc gỗ, mỗi lớp hàng rào được căng 3 lớp dây thừng chắc khỏe, bên ngoài và giữa các lớp hàng rào bố trí lực lượng an ninh, không để du khách và người dân tràn vào sân đánh phết”.

Còn theo ông Quảng Đức Hạnh, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc: Với lễ hội Đúc Bụt, có phương án đổi mới hình thức cướp chiếu của lễ hội theo hướng văn minh, bảo đảm trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội. Sau nghi lễ Đúc Bụt sẽ đến phần “tản chiếu” phát lộc cho người dân nhằm tránh tình trạng tranh cướp, xô đẩy quá đà...

Tránh thương mại hóa lễ hội

Lễ hội chọi trâu tiếp tục được các đại biểu quan tâm. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, năm 2018, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được tổ chức an toàn, thực hiện đúng theo Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý, tổ chức lễ hội: Giảm số lượng trâu chọi, tổ chức duy nhất một vòng chọi chính hội, không bán vé thu tiền vào lễ hội và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyên, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử của lễ hội chọi trâu cho người tham dự. Kết quả này sẽ được phát huy trong những năm tới. Còn theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, với lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, hiện đã có đề án, kịch bản, phương án đổi mới hình thức quản lý và tổ chức lễ hội, với các nội dung: Quy mô tổ chức là 32 trâu chọi (16 cặp), trâu đã được giao cho mỗi thôn 1 con và một số dòng họ lớn trong xã. Từ năm 2020 trở đi sẽ giảm số lượng xuống còn 20 trâu chọi (10 cặp). Không tổ chức bán vé, thu tiền vào lễ hội, mà huy động nguồn xã hội hóa, tự nguyện đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến thời điểm này, kịch bản đã được phê duyệt, lên kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội; hàng rào, cổng ra vào sới được bố trí kiên cố vững chắc thành nhiều lớp nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người tham gia lễ hội...

Với lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Việt Trung cho biết, năm 2019, sẽ tạm dừng tổ chức lễ hội này để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội, trong đó làm rõ yếu tố truyền thống của lễ hội này để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu được phép mới tổ chức lại trong những năm tiếp theo. Đại diện ngành văn hóa một số tỉnh, thành cũng cho biết, từ quy định về lễ hội chọi trâu cần đáp ứng 3 tiêu chí: Không bán vé, không bán thịt trâu chọi, không giao cho doanh nghiệp tổ chức, nên năm nay không có đơn xin phép tổ chức lễ hội chọi trâu...

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, năm 2018 có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong mùa lễ hội. Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản đề nghị UBND các tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong quản lý tổ chức lễ hội. Các địa phương, ngay khi mùa lễ hội chưa đến cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội, từ đó có ứng xử văn minh. Đồng thời, các địa phương có những lễ hội lớn cần chấn chỉnh, rà soát cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm, sai sót trong lễ hội, đặc biệt là những hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi hoặc tuyên truyền những điều không phù hợp với thực hành tín ngưỡng tâm linh...

Ngọc Phương